Nhiều HTX ở trong tình trạng khó khăn
Đến tháng 9.2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 746 HTX, 5 Liên hiệp HTX và 403 tổ hợp tác, trong đó có 612 HTX, 3 Liên hiệp HTX và 403 tổ hợp tác đang hoạt động; 134 HTX và 2 Liên hiệp HTX ngừng hoạt động.
Giai đoạn 2021 – 2023 có 213 HTX được thành lập, đạt 101% kế hoạch 5 năm, bình quân hằng năm có khoảng 71 HTX thành lập, ước giai đoạn 2021 – 2025 có khoảng 353 HTX thành lập mới, đạt 176% kế hoạch. Ngoài ra trong thời gian qua có 146 tổ hợp tác được thành lập, thu hút 1.777 hội viên, nông dân tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 69.791 thành viên, ước đến hết năm 2023 có khoảng 80.000 thành viên (trong đó 71.000 thành viên HTX và 9.000 thành viên tổ hợp tác), đạt 100% kế hoạch giai đoạn 5 năm (kế hoạch 80.000 thành viên).
Mặc dù đã có chuyển biến, hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả, tuy nhiên kinh tế tập thể của tỉnh còn nhiều khó khăn do quy mô phát triển nhỏlẻ; hạ tầng thiếu thốn, đặc biệt, đất đai xây dựng trụ sở, khu sản xuất HTX phải đi thuê, mượn gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp. Đồng thời, lực lượng cán bộ của các HTX còn yếu về năng lực quản trị, chuyên môn, chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn, các hoạt động kinh tế thiếu ổn định, bị động, do vậy sản xuất cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của nhà nước còn ít, đặc biệt chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách giao đất, cho thuê đất. Quá trình chuyển đổi số của các HTX, liên hiệp HTX diễn ra chậm; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số...
Hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài cho biết, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tích cực đánh giá lại thực trạng, khó khăn của HTX để có những chính sách phù hợp, tháo gỡ vướng mắc cho HTX. Trong đó, chú trọng đến kế hoạch trung hạn và dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… để giảm áp lực cho HTX và hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất. Các cấp ủy, chính quyền cần xem phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TWngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại địa phương giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án 167), lựa chọn được 5 HTX tiêu biểu tham gia Đề án. Trong năm 2021 – 2023, tỉnh đã hỗ trợ cho 31 HTX ứng dụng đổi mới công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực địa phương với tổng kinh phí là 3.405 triệu đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho 68 HTX với kinh phí 678 triệu đồng; thông qua chương trình khuyến công có 10 HTX được hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với tổng kinh phí là 2.160 triệu đồng, trong đó nguồn hỗ trợ là 1.075 triệu đồng, vốn đối ứng HTX là 2.202 triệu đồng.
Từ Quỹ phát triển HTX tỉnh, hiện nay có 38 HTX đang vay vốn tại Quỹ với tổng dư nợ cho vay là 20.994 triệu đồng. Giai đoạn từ 2021 – 2023, đã giải ngân cho 32 HTX vay với tổng số vốn vay là 19.300 triệu đồng; thực hiện khoanh nợ, xoá nợ tiền phạt chậm nộp đối với 147 HTX, chi nhánh HTX, tổng số tiền là 13,751 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ 123 trường hợp với số tiền là 9,055 tỷ đồng và xoá nợ tiền phạt chậm nộp cho 24 trường hợp, số tiền là 4,696 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2022, có 18 HTX được xem xét quyết định miễn, giảm tiền thuê đất với tổng số tiền miễn giảm là 11,715 tỷ đồng.