Nhịp cầu

Xử lý nghiêm hành vi xâm phạm công trình thủy lợi

- Thứ Hai, 23/11/2020, 16:25 - Chia sẻ
Thời gian qua, tình trạng xâm phạm các công trình thủy lợi diễn ra phổ biến trên địa bàn các quận, huyện của thành phố Hà Nội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý chưa dứt điểm, các vụ vi phạm mới liên tục phát sinh. Tính từ đầu năm 2020 đến nay đã 27 vụ vi phạm và mới chỉ xử lý được 2 vụ.

Theo ghi nhận của phóng viên, kênh tiêu 71 dài 3,8km tiêu thoát nước cho khoảng 2.105ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 7 xã, thị trấn huyện Thường Tín đã có tới 12 vị trí bị người dân xâm lấn. Hay trên kênh tưới của Trạm bơm Quần Hiền, xã Hòa Bình, đơn vị thi công tuyến đường 427 đã làm hỏng 6 đoạn kênh, với tổng chiều dài gần 150m. Trên kênh T12, xã Quất Động, một số gia đình dự lều, lán trong lòng kênh, có những lều diện tích đến 30m2. Chưa kể, dọc tuyến sông Nhuệ còn có gia đình xây nhà cấp 3 với diện tích khoảng 20m2 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tương tự, nhiều công trình thủy lợi quan trọng khác nhiều các quận, huyện cũng bị xâm hại. Điển hình, ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) có hộ gia đình xây dựng nhà ở kiên cố trong phạm vi bảo vệ kênh Bắc Quảng Hoa. Ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), có gia đình đóng cột thép làm sàn để ô tô, xe máy trên mặt kênh Khê Tang. Đặc biệt tại huyện Ba Vì, có doanh nghiệp đã đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất, tạo thành bờ bao, làm giảm dung tích trữ của hồ Suối Hai. Theo đại diện một số lãnh đạo cấp xã, do một số công trình thủy lợi chưa được cắm chỉ giới, phân định vị trí thuộc khu vực bảo vệ nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng, vi phạm được phát hiện và tồn tại đã lâu. Một số địa phương còn nể nang, thậm chí bao che, cố tình để vi phạm tồn tại. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm cũng chưa được thực hiện quyết liệt.

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khi mùa mưa, bão đang tới gần, đại diện lãnh đạo một số huyện cho biết sẽ chỉ đạo các xã phối hợp với các đơn vị thủy lợi quyết liệt xử lý ngay khi phát hiện vi phạm. Đặc biệt, UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu UBND xã Tản Lĩnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, cưỡng chế giải tỏa vi phạm tại hồ Suối Hai. Sau ngày 30.4, nếu vụ việc chưa xử lý dứt điểm, huyện sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở đang đề xuất UBND thành phố xây dựng “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố”. Trong đó, sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời, đề ra các hình thức xử lý cụ thể nếu tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý.

Việc ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi xâm phạm công trình thủy lợi cần nhiều giải pháp, nhưng giải pháp quan trọng là phải xóa ngay tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh". Những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm và chế tài tương ứng. Có vậy mới chấm dứt được tình trạng vi phạm kéo dài hiện nay.

Tường Vy