Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu trên 14 tỷ USD

Đa dạng thị trường để tránh rủi ro

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:03 - Chia sẻ
Năm 2021 xuất khẩu gỗ và lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14,5 - 15 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, ngành sẽ tận dụng tốt các hiệp định thương mại để đa dạng thị trường, không tập trung vào một vài thị trường, để tránh rủi ro.

Xuất siêu cao nhất từ trước đến nay

Bức tranh ngành gỗ trong năm qua như thế nào?

- Như nhiều ngành kinh tế khác, ngành gỗ cũng gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, tiếp đến là sự thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Cùng với đó, cước phí logistics (dịch vụ hậu cần) tăng vọt, đặc biệt từ quý IV tăng gấp 3 - 4 lần. Vụ kiện 301 của Mỹ liên quan đến gỗ bất hợp pháp kinh doanh thương mại ở tại Việt Nam cũng là một rào cản.

	Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập
Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập
Nguồn: ITN

Tuy vậy, với nhiều nỗ lực, kết quả kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2020 vẫn tăng 11,5% so với năm 2019, ước đạt trên 12,6 tỷ USD và tiếp tục nằm trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt, giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.  

Sau một năm sóng gió, ngành gỗ rút ra được những bài học kinh nghiệm nào, thưa ông?

- Dịch bệnh đã làm đảo lộn rất nhiều thứ, do vậy ngành gỗ cũng phải thích nghi để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bài học đầu tiên chính là muốn tiếp cận được thị trường và khách hàng trong bối cảnh này, doanh nghiệp ngành gỗ phải tăng cường hơn nữa thương mại điện tử để kết nối tốt với khách hàng thông qua các giao dịch trực tuyến. Ngành đã ưu tiên vào các thị trường và khách hàng có kinh doanh thương mại điện tử để đưa ra sản phẩm; thông qua các không gian mạng để chào hàng, mở showroom, hội chợ trực truyến để quảng cáo, bán hàng. Bởi vậy dù thị trường đóng cửa do dịch bệnh thì vẫn có thể sản xuất, xuất hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đã ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp; kiến tạo văn hóa ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng và gỗ nhân tạo đối với cộng đồng; thành lập quỹ vì một Việt Nam xanh để đóng góp phát triển tài nguyên rừng... Nhiều doanh nghiệp gỗ đã tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất. Do đó,  năm nay ngành gỗ vẫn bảo đảm tăng trưởng ổn định.

Tạo nguồn gỗ sạch, đa dạng thị trường

- Năm nay xuất khẩu gỗ phấn đấu đạt trên 14 tỷ USD, ngành gỗ sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?

- Ngành sẽ chú trọng vào 4 nền tảng. Một là, bảo đảm nguồn gỗ hợp pháp, theo đó sẽ phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành để thực hiện tốt Nghị định số 102/2020 quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước, nhất là châu Phi để tạo nguồn gỗ sạch. Hai là, ngành đã xác định được sản phẩm và thị trường mũi nhọn để các doanh nghiệp có thể định hình nhằm đổi mới sản xuất, đổi mới về nhập khẩu, nguyên vật liệu, các sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ba là, là tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ hơn, bền vững hơn, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại ảnh hưởng lớn về nguồn cung. Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong nước ở các khâu về như cơ khí, nguyên vật liệu, vật tư, đặc biệt là nguyên liệu của các nhà trồng rừng, nhà chế biến thô… Điều này sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực như năm 2020 trong sản xuất. Cuối cùng là phải tạo ra được không gian sáng tạo, các hiệp hội sẽ đẩy mạnh thiết kế sáng tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng.

Nguồn: ITN

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các sản phẩm và thị trường mũi nhọn của ngành trong thời gian tới?

-Về các sản phẩm chủ chốt, ngành sẽ tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chính là các loại sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất - vẫn chiếm đến 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là các loại ván nhân tạo, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều trên 1 tỷ USD; dăm gỗ, xuất khẩu thu về trên 1,7 tỷ USD và viên nén để làm năng lượng sinh khối.

Ngành gỗ xác định sẽ đa dạng thị trường bằng cách tận dụng tốt các chính sách và các hiệp định thương mại. Cụ thể, không tập trung vào một vài thị trường, như năm vừa rồi thị trường Mỹ chiếm đến 50% thị trường xuất khẩu nhưng đến lúc có sự thay đổi về các chính sách thương mại đã ảnh hưởng nhiều tới ngành. 

- Hiện năng lực của doanh nghiệp và khả năng nhận diện sản phẩm gỗ còn thấp, ảnh hưởng đến mục tiêu ngành hướng tới. Cùng với sự hỗ trợ đến từ các hiệp hội, bộ, ban, ngành, thì bản thân doanh nghiệp cần làm gì?

- Sự hỗ trợ của hiệp hội hay các bộ, ban, ngành không phải là bệ đỡ mà chỉ phác thảo ra kế hoạch, định hướng về thị trường, chính sách và tạo ra không gian kiên kết cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp mới tạo ra đòn bẩy cho chính sự phát triển của mình. Nhưng các doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên sự hiểu biết về điều kiện để bảo đảm các sản phẩm của mình có chỗ đứng vững vàng ở thị trường quốc tế chưa cao. Do đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc rất nhiều thứ, như vấn đề an ninh, môi trường, an sinh xã hội, các sản phẩm sản xuất ra bảo đảm chất lượng và có năng suất quy mô thực hiện được các hợp đồng.

Để tăng khả năng nhận diện sản phẩm, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình, cẩn trọng trong nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, bảo đảm xuất khẩu phải đến từ nguồn cung ứng hợp pháp. Hiệp hội cũng sẽ nỗ lực hơn công tác liên kết tất cả các bên liên quan trong chuỗi chế biến và cung ứng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh, nâng uy tín của thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung