Cửu đỉnh - "Bức tranh" độc đáo về nước Việt

- Thứ Hai, 05/07/2021, 05:43 - Chia sẻ
Ra đời gần 200 năm trước, bộ Cửu đỉnh trong Kinh thành Huế được coi là “Đại Nam nhất thống chí” bằng hình ảnh đặc sắc, chứa đựng nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên. Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu, tinh xảo và duy nhất, bảo vật quốc gia này đang được làm hồ sơ đề nghị ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.

Trường tồn non sông gấm vóc Việt

Với ý muốn “làm vật báu truyền lại đời sau”, từ tháng 10 năm Ất Mùi (1835) đến tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng đã cho đúc Cửu đỉnh gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. 9 đỉnh được đặt trước Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự trường tồn, vững mạnh của vương triều.

Di sản này có thể được coi là những tác phẩm mỹ thuật tinh tế của các nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc, tư tưởng thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Đại Nam. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh, thân mỗi đỉnh đúc nổi 17 hình về sông núi, biển đảo, địa danh, động thực vật, binh khí, xe thuyền... và 2 chữ Hán mang tên đỉnh. Tất cả các hình ảnh đúc nổi trên Cửu đỉnh được xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam. Bởi vậy, Cửu đỉnh còn được xem là “bản kiểm kê” tài sản quốc gia vào thế kỷ XIX.

Theo nhiều chuyên gia, đây là một di sản văn hóa quý hiếm, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế Dương Phước Thu, tác giả của cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” có một phát hiện thú vị: “Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9. 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, 9 loài hoa... Đất nước Việt Nam ta núi nhiều, sông lắm, cây cối sản vật rất phong phú, nên chọn số 9 là sự lựa chọn rất khắt khe và khó khăn. Và Minh Mạng, vị vua anh minh nhất triều Nguyễn, đã chọn khắc những ngọn núi, con sông, các loài cây hoa có vị trí rất đích đáng trong lịch sử dân tộc”.

Giá trị của Cửu đỉnh còn nằm ở tầm vóc to lớn và trình độ đúc đồng đỉnh cao của thợ thủ công Phường Đúc, Huế. Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, đây là bộ tác phẩm ở đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam dưới triều Nguyễn, được thể hiện tinh xảo qua các họa tiết nghiêng về mỹ thuật nhiều, tạo nên tác phẩm đồ sộ có trọng lượng khoảng 2 tấn mỗi đỉnh. Với chất liệu đồng khá bền vững qua thời gian, nên dù dãi dầu mưa nắng, phần lớn giá trị tư liệu vẫn còn nguyên vẹn trên Cửu đỉnh đến hôm nay, để người Việt có thể tự hào về di sản của đất nước.

Cửu đỉnh đáp ứng đủ các tiêu chí để được ghi danh Di sản tư liệu thế giới
Nguồn: ITN

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật, Cửu đỉnh là bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn; là cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật.

Độc đáo và duy nhất

Trải qua 200 năm với bao biến thiên của lịch sử, đến nay Cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn hình dáng như ban đầu. Đây cũng là những bản nguyên gốc và duy nhất, từ khi ra đời, cổ vật này chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ.

Theo TS. Lê Thị An Hòa - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Khuôn đúc là khuôn độc bản, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta hồi đầu thế kỷ XIX. Đây là điểm rất đặc biệt và chỉ thấy xuất hiện ở Cửu đỉnh Huế. Mặt khác, Cửu đỉnh vừa thể hiện bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam, vừa thể hiện bằng ngôn ngữ chữ Hán, ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đồng văn nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao.

Đối chiếu các tiêu chí nêu trong hướng dẫn chung về bảo vệ di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới như: thời gian, địa điểm, con người, hình thức và phong cách, Cửu đỉnh đã đáp ứng đầy đủ. “Qua nghiên cứu các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, thì bộ Cửu đỉnh ở Huế là độc bản. Mặc dù nhiều nước có nghệ thuật đúc đồng nhưng riêng bộ Cửu đỉnh này và các hình ảnh được chạm nổi trên nó, thì chỉ có duy nhất ở Huế. Bộ Cửu đỉnh có tất cả các tiêu chí để trở thành Di sản tư liệu của thế giới” - TS. Lê Thị An Hòa khẳng định.

Tính đến nay, tại Quần thể di tích Cố đô Huế đã có 3 Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016). Với những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và duy nhất của bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO đề nghị công nhận đây là Di sản tư liệu thế giới, nhằm ghi nhận những giá trị này ở tầm quốc gia và quốc tế, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong tương lai.

Ngọc Phương