Ban tổ chức cho biết, sau 4 tháng phát động, đến ngày 25.9, cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II đã nhận được hơn 1.000 bài viết của độc giả, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng đã được đăng tải trên chuyên mục Hà Nội Hôm nay, Báo Điện tử Dân Việt. Đó là các bài viết về Hà Nội, về văn hóa, con người, nét ẩm thực, không gian sống, chuyện về người bà, người mẹ gánh hàng rong bán dạo trên phố…
Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/ Điện tử Dân Việt, Trưởng Ban tổ chức giải Lưu Quang Định cho biết: “Ngay sau khi phát động cuộc thi, chúng tôi thật sự bất ngờ về sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc. Điều này cho thấy Hà Nội trong ký ức của những con người từng đặt chân đến nơi này đều tràn ngập yêu thương, gắn bó, để khi đi xa càng thấy nhớ về”.
Tác giả cao tuổi nhất là PGS.TS Hà Đình Đức, 83 tuổi, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả nhỏ tuổi nhất là em Thiều Nguyễn Vĩ Dạ, học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lăk. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi cũng nhận được nhiều bài viết của các tác giả không sinh sống ở Hà Nội.
Qua vòng sơ loại, Ban Giám khảo đã chấm chọn và trao giải cho 11 tác phẩm chất lượng. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác phẩm Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nam Định). Hai tác phẩm đạt giải Nhì là: Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm của PGS. Hà Đình Đức (Hà Nội) và Phiếu bé ngoan - một thời và mãi mãi của tác giả Lê Hồng Quang (Hà Nội). Bên cạnh đó là ba giải Ba và năm giải Khuyến khích.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, cho hay, cuộc thi không chỉ là của người Hà Nội mà của người Việt ở mọi miền đất nước và trên toàn cầu. Hà Nội là vùng đất thiêng liêng nhất đối với mỗi người. Ký ức Hà Nội thực tế là một đề tài lớn, cũng bởi vậy có nhiều tác giả từ Hàn Quốc đã gửi bài dự thi, thể hiện tình yêu với Hà Nội một cách sâu sắc.
Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, là một đô thị 10 triệu dân, mọi người đều coi Hà Nội là nơi hội tụ, vô vàn ký ức. Làm sao bóc tách được ký ức đó, làm cho con người yêu thêm vẻ đẹp này là mục đích của cuộc thi.
"Đối với tôi, những ký ức được nhắc đến trong các bài viết là chất liệu mà không nguồn tư liệu nào thay thế được. Những cuộc thi như thế này tưởng nhỏ nhưng rất quý, nó như hạt phù sa tích góp lại, tạo thành màu mỡ của đất Hà Nội.
Chúng ta chứng kiến những thay đổi của Thủ đô, nhưng những thay đổi trong lòng người thì khó tìm thấy. Tôi cho rằng nên tập hợp những tác phẩm đoạt giải thành một tuyển tập để lưu giữ, bởi những gì đọng lại là niềm tự hào của chúng ta", ông Quốc chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Trương Quý tâm sự: “Tôi nhớ cách đây hơn 1 tháng, tôi có nói chuyện với các em học sinh cấp 2, cấp 3 về Hà Nội, các em rất quan tâm. Vì vậy, cuộc thi hoàn toàn có cơ sở tạo ra lớp lang để đưa vào nghiên cứu. Bởi có những thứ về Hà Nội tôi muốn tìm lại nhưng không thể tìm qua sách, báo. Nhưng những thứ đó hoàn toàn có thể tìm lại qua ký ức của con người. Nếu chúng ta tăng cường tương tác thì có thể lên đến vài nghìn bài viết”.
Là một tác giả tham gia cuộc thi, nhà thơ Lữ Mai cũng bày tỏ cảm xúc đặc biệt mà chị có được: "Thế hệ chúng tôi tuy chưa gắn bó lâu với mảnh đất này, và có thể những gì gọi là ký ức vẫn còn quen thuộc, gần gũi, nhưng thực sự, điều quý giá nhất là được đọc những bài dự thi khác, của nhiều tác giả khác ở mọi vùng miền, độ tuổi... Mỗi người có bầu ký ức, chân dung Hà Nội riêng nhưng đều sâu lắng, ân tình và lan tỏa được những giá trị nhân văn".