Khi ý Đảng, lòng Dân gặp nhau thì biến thành sức mạnh vô song!
Tôi may mắn được làm đại biểu Quốc hội Khóa X ở Cần Thơ. Có lần đi tiếp xúc cử tri ở vùng sâu của huyện Bình Thủy, khi chưa có đường ô tô, phải đi bằng ghe, len giữa những tán dừa nước biếc xanh. Đến nơi, bà con đã ngồi kín hội trường, vỗ tay rầm rầm chào đón. Sau khi tôi được chỉ định thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, một cụ râu tóc bạc phơ, đã đứng ngay dậy phát biểu, giọng sôi nổi: “Tôi chưa cần nói kiến nghị, nhưng việc Đoàn đại biểu vượt sông nước đến đây đúng giờ, làm bà con vô cùng xúc động. Đúng là Quốc hội của Dân, vì Dân”. Tiếp đó là các ý kiến nổ như pháo rang, đặc biệt là những kiến nghị thiết thân với đời sống của nông dân ở Cần Thơ như: mở đường giao thông; làm thêm cầu bê tông thay các cầu khỉ, nơi có nhiều học sinh và người dân qua lại; xây mới và nâng cấp các trường học, đặc biệt là các trường mầm non...
Sống cùng dân, nghe dân nói, tôn trọng dân
Sang nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XI, tôi được ứng cử làm đại biểu Quốc hội tại tỉnh Cao Bằng. Với Cao Bằng, trong tôi đọng lại nhiều kỷ niệm khó quên. Khác ở Cần Thơ, đường đi tiếp xúc cử tri chủ yếu là đường bằng và đường sông, còn ở đây hầu như đường đèo dốc, lổn nhổn đá gập ghềnh. Nơi xa nhất là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc ở phía tây giáp với Hà Giang. Từ thị xã xuống trung tâm Bảo Lạc tuy đường chim bay là 134 km, nhưng tới huyện phải mất hơn 7 giờ, phải vượt qua mấy đèo, mấy suối. Đúng hôm tôi và anh Triệu Sĩ Lầu xuống huyện, nước suối dâng cao. Để đảm bảo an toàn, anh lái xe đề nghị chúng tôi xuống xe lội suối. Sang được bên, hai người lại vào cánh rừng chỗ khuất để thay quần áo. Huyện nghèo, chưa có nhà khách, phải nhờ nhà dân. Đúng là dịp không may, sớm ngủ dậy, ông chủ đưa cho hai người một chậu nước nhỏ và phân trần: Các bác thông cảm, vì nay nhiệt độ là không độ, nước trên đỉnh suối đóng băng nên nhà không có nước. Vậy là một chậu nước lấy trong vại dự trữ của gia đình để đánh răng, rửa mặt, làm chúng tôi vô cùng xúc động.
Có một cô giáo ngoài 50 tuổi đứng lên giọng hồn nhiên: “Tôi được bà con ở đây gọi là “gái bản” vì từ xuôi lên, gắn bó với học sinh đã hơn 30 năm. Trong nhiều bài phát biểu của lãnh đạo, tôi tâm đắc một khẩu hiệu: “Tất cả cho sự nghiệp trồng người!”. Theo tinh thần đó, với huyện vùng cao này, tôi kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư các trường nội trú cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số còn quá nghèo".
Một bác trạc tuổi 70 nói: “Tôi kiến nghị cấp trên mở rộng phong trào Nhà nước và nhân dân cùng xây trường học, cùng nâng cấp đường giao thông để huyện ta không thể tụt hậu mãi thế này”. Một chị là Chi hội trưởng phụ nữ xã đề nghị có biện pháp quyết liệt thực hiện chủ trương “nam nữ bình đẳng”, số phụ nữ tham gia lãnh đạo ở xã và huyện còn ít quá. Đặc biệt cấp có thẩm quyền phải ra tay ngăn chặn các bậc “mày râu” nát rượu, tối về hay đánh vợ, mắng con... Hội trường vỗ tay rầm rầm.
Tôi ngộ ra một điều, sống cùng dân, nghe dân nói, tôn trọng dân - phương châm ấy rất đúng, nhưng không phải nơi nào cán bộ cũng gương mẫu thực hiện. Và tôi càng thấm thía, cuộc sống thực tiễn ở từng địa bàn là trường học lớn, giúp mỗi đại biểu hiểu được tâm tư, nguyện vọng đích thực của cử tri; qua đó tổng hợp báo cáo chuẩn xác, đầy đủ với Quốc hội, để câu ghi trong Hiến pháp “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân” thật sự đúng với ý nghĩa và mong muốn của Nhân dân!