Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Thị Tuyết Hương:
Phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan quyền lực Nhà nước
Những đại biểu dự hội nghị như chúng tôi vô cùng tự hào và xúc động khi lần đầu tiên dự Hội nghị tổng kết hoạt động của HĐND có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh - một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, nơi có thành phố Hạ Long cảnh trí non nước độc nhất vô nhị đúng như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trực tiếp dự, chủ trì và chỉ đạo Hội nghị. Ngoài ra, còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ… cùng sự tham gia đầy đủ của 63 đoàn đại biểu HĐND đến từ các tỉnh, thành phố. Điều này không chỉ thể hiện “sức hút” của hội nghị mà còn thể hiện tính lan tỏa, cộng hưởng và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ với các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; và sự gắn bó mật thiết của các đại biểu trong “mái nhà chung” dân cử.
Điều đáng mừng, một năm nhìn lại bức tranh tổng thể về hoạt động của HĐND có nhiều điểm sáng nổi bật thông qua các con số “biết nói”. Trong năm 2022, qua giám sát của HĐND cấp tỉnh, đã có 8.083/11.229 kiến nghị được giải quyết (tỷ lệ 70,39%), đáng nói, một số tỉnh có tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Số kiến nghị cử tri được giải quyết trung bình của cả nước là 83,05%, nhiều tỉnh có tỷ lệ giải quyết đạt 100%... “Trái ngọt” này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan dân cử địa phương, đặc biệt là hiệu quả của việc tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của HĐND đã thực sự phát huy tác dụng.
Tôi tin chắc rằng, những thành quả của năm 2022 và những chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị lần này sẽ là động lực, tư liệu để các cơ quan dân cử địa phương có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình tại địa phương. Qua đó, giúp HĐND các cấp - “cánh tay nối dài” của Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả, hiệu lực, phát huy được sức mạnh tổng hợp các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành:
Đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả
Tôi rất ấn tượng với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cách đây đúng tròn 1 năm, trong Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực phía Bắc: qua theo dõi thực tế cũng như qua kết quả hội nghị đầu tiên của khu vực, chúng tôi cảm nhận được chuyển động rất tích cực, có “luồng gió” mới trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, có quyết tâm mới, khí thế mới và nhiều cách làm mới. Việc này diễn ra khá đều khắp từ các thành phố trực thuộc Trung ương đến các tỉnh, từ khu vực miền núi, trung du đến đồng bằng…
Chính sự lan tỏa trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo tập trung của Trung ương và cấp ủy Đảng cùng cấp, hoạt động của HĐND các địa phương tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả. HĐND tỉnh Bắc Giang đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, làm cơ sở để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã được HĐND cấp tỉnh thông qua cuối năm 2021. Đặc biệt là Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, giai đoạn 2021 - 2025…
Với 8 nhóm phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra cho năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là “kim chỉ nam” cho HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đúng với vị thế là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương….
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực:
Kết nối mật thiết giữa Quốc hội và HĐND các cấp
Hội nghị diễn ra trong không khí thực sự cởi mở, thẳng thắn và khoa học, tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan dân cử, tạo nên sự gắn kết mật thiết, chân tình giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp, giữa các địa phương với nhau.
Các nội dung được đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phát biểu, chia sẻ tại hội nghị đều rất chất lượng, tâm huyết, chia sẻ được nhiều bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm lan tỏa đến HĐND các địa phương khác để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhất là những kinh nghiệm quý trong tổ chức các “kỳ họp không giấy”; các chuyên đề giám sát; ứng dụng về chuyển đổi số trong các hoạt động của HĐND…
Đặc biệt, từ thực tiễn của Ninh Thuận có thể thấy phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Nghị quyết như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay. Qua đó, giúp các địa phương chủ động, sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…
Khép lại Hội nghị với nhiều cảm xúc, tôi mong muốn, Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban Công tác Đại biểu tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các cơ quan dân cử địa phương. Nghiên cứu và làm rõ hơn nữa vai trò, thẩm quyền của Thường trực HĐND, để các địa phương không còn “lúng túng” trong xử lý các công việc cấp bách của địa phương. Cần làm rõ nội hàm của chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan dân cử để bảo đảm sự thống nhất và cơ sở để triển khai thực hiện. Đồng thời, cần tăng đại biểu chuyên trách của HĐND các cấp. Bởi trên thực tế số lượng đại biểu chuyên trách ở các địa phương trong đó có Ninh Thuận còn khá “khiêm tốn” cả về số lượng, chất lượng. Đại biểu HĐND chuyên trách là nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND; là “cầu nối” xử lý thông tin kịp thời giữa hoạt động của HĐND với cử tri, giữa HĐND với UBND, UBMTTQVN, TAND, VKSND và với các sở, ngành cấp tỉnh, giữa Tổ đại biểu, đại biểu HĐND với cử tri thông qua nhiều hoạt động khảo sát, giám sát, TXCT, tiếp công dân…
Từ sự thành công của hội nghị, tôi cũng tin chắc HĐND các tỉnh trong đó có Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, thực sự gần dân, công khai, minh bạch, dân chủ, thực sự là những cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.