Những trái tim luôn hướng về phía trước
Là một trong những điển hình trong phong trào “hiến đất mở đường” xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn có 15.000 hộ dân ở 254/254 thôn hiến hơn 350.000m2 đất để xây dựng 462km đường giao thông. Mặc dù trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhưng nhiều hộ dân ở nơi đây, trong đó có cả hộ khó khăn, hộ nghèo vẫn tích cực hiến đất mở đường.
Không chỉ hiến đất, hiến cây cối, công trình kiến trúc, phá dỡ nhà, họ còn tự nguyện bỏ tiền để hoàn thiện lại mặt bằng, công trình, xây tường rào, trồng cây, trồng hoa làm đẹp cho con đường. Điển hình như gia đình ông Lê Gia Khoa ở xã Dân Quyền đã tình nguyện phá dỡ ngôi nhà ba gian và công trình phụ với diện tích khoảng 150m2 để mở đường. Điều xúc động nhất là gia đình ông Khoa chẳng phải hộ khá giả, sau khi hiến đất và nhà, hai vợ chồng ông sống giản dị trong căn nhà cấp 4 rộng 30m2. “Tôi hiến đất để mở thông con đường chạy ngang cái ao phía sau nhà, giúp bà con không còn phải đi đường vòng mỗi lần muốn ra đường lớn" - ông Khoa chia sẻ.
Không chỉ ở Triệu Sơn, phong trào “hiến đất mở đường” đã phát triển sâu rộng ở nhiều địa phương. Những tấm gương sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích lâu dài của cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Không thể không nể phục gia đình ông Lê Quang Hòa (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) đã hiến 150m2 đất ở, cùng ngôi nhà ở cấp 4 diện tích 50m2, nhà máy xay xát gạo 40m2, nhà bếp và 50m tường rào với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường thôn. Hay gia đình ông Phan Xuân Thịnh (xã Đông Minh, huyện Đông Sơn) hiến hơn 250m2 đất ở, giá trị trên 2 tỷ đồng, đồng thời động viên con cháu, người thân trong gia đình hiến đất và các công trình trên đất, góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM kiểu mẫu của thôn và xã…
“Có đường là có nhiều thứ” là những câu nói rất đỗi quen thuộc và được nhắc lại nhiều lần bởi những người dân xứ Thanh khi chia sẻ về câu chuyện “hiến đất mở đường”. Bởi thực tế, những người đã từng phải đi bộ đi học, đi làm, đi bệnh viện, chở hàng hóa… trên những con đường lầy lội ngày mưa, bụi mù vào ngày nắng, sỏi đá và nhỏ hẹp… họ thực sự thấm thía giá trị của những con đường bê tông rộng rãi, phong quang. Lịch sử đã ghi dấu, qua hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho cách mạng toàn thắng. Và ngày nay, vẫn những người nông dân chân lấm tay bùn trên mảnh đất anh hùng ấy đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng cống hiến sức người, sức của để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những con số thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Thanh Hóa một lần nữa khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “hiến đất mở đường” trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 đất; di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư; phá dỡ hơn 2.400 công trình; đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn. Thanh Hóa đã trở thành điển hình của cả nước trong phong trào “hiến đất mở đường”.
Lan tỏa, tạo khí thế mới trong Nhân dân
Giám đốc Sở NN - PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Cao Văn Cường chia sẻ, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân là kết quả từ chủ trương đúng, cách làm bài bản, sáng tạo, lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, áp dụng nhiều cách làm sáng tạo để phong trào “hiến đất mở đường” lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Nhiều địa phương chủ động ban hành nghị quyết riêng về hiến đất mở đường, như các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Thiệu Hóa…
Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn nông NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu, có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số. Với kết quả trên, Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc tốp đầu cả nước; chất lượng các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ngày càng được nâng lên
Quá trình triển khai, các địa phương luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Những công trình, phần việc liên quan đến vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp đều được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong Nhân dân. Nhân dân là chủ thể và phải thực sự được làm chủ trong mọi hoạt động, được hưởng lợi từ chính những công trình mà họ đóng góp.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không khó để tìm ra những “vùng quê đáng sống” với diện mạo nông thôn thay đổi tích cực nhờ phong trào hiến đất. Những tuyến đường khang trang được lắp đặt đèn điện cao áp chiếu sáng, hệ thống thoát nước có nắp đậy, những rặng hoa, cây cảnh chạy dài... Những con đường mới mở rộng, khang trang, sạch đẹp không chỉ giúp cho việc đi lại dễ dàng, mà còn tạo điều kiện cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Nhằm huy động cao nhất các nguồn lực trong Nhân dân, cùng với nguồn lực của Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông và các công trình công cộng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ngày 12.7.2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại”. Chỉ thị đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu: “giai đoạn 2024 - 2025, toàn tỉnh vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang ít nhất 1.100km đường giao thông và 60 công trình công cộng khác; giai đoạn 2026 - 2030 được ít nhất 3.600km đường giao thông và 400 công trình hạ tầng công cộng khác”.
Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đang được phổ biến sâu rộng đến các Chi bộ đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để huy động cao nhất sự tham gia của cộng đồng, cần làm tốt tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động đến từng địa bàn dân cư, từng đối tượng, cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khơi dậy tinh thần vì cộng đồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao, coi trọng vai trò của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã và đang vận dụng sức dân trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, trong đó, trước hết và trên hết là tôn trọng dân, dựa vào dân, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về Nhân dân. Với tư duy đó, cuộc “cách mạng mở đường” ở Thanh Hóa chắc chắn sẽ thành công.