Rừng trong phố
Nằm giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, khuôn viên Biệt điện Bảo Đại không chỉ được biết đến là một điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình du lịch khám phá mảnh đất Đắk Lắk đầy nắng gió. Đây cũng là nơi duy nhất trong thành phố còn giữ nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thụ như long não, bằng lăng, châm mũi nhọn, sao đen với tuổi thọ hàng trăm năm… tạo nên không gian rừng thu nhỏ xanh mát.
Nhằm góp phần bảo tồn hệ sinh thái, các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giới thiệu đến du khách vườn cây nguyên sinh Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã mời các chuyên gia tổ chức nghiên cứu, điều tra, thực hiện gắn bảng định danh hơn 300 cây. Việc làm này vừa giúp tôn tạo cảnh quan, vừa thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, cuối tháng 10.2024 chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống với chủ đề "Vũ điệu Ban Mê" do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức dưới tán cây long não di sản, trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Trong không gian huyền ảo được hòa mình với thiên nhiên kết hợp với sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên mang đến những tiết mục mãn nhãn cho người xem.
Bên cạnh đó, nói đến TP. Buôn Ma Thuột, không thể không kể đến buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (phường Tân Lợi), là buôn của người đồng bào Ê Đê với những ngôi nhà dài truyền thống san sát nhau được bao bọc bởi những khu vườn xanh bóng cây. Những người lớn tuổi trong buôn cho biết, người Ê Đê khi lập buôn thường chọn khu vực có cánh rừng nguyên sinh bao quanh suối đầu nguồn - đó chính là nơi mạch nguồn che chở người dân có cuộc sống ấm no.
Để bảo vệ rừng đầu nguồn, tự người dân trong buôn đặt ra những hương ước bất khả xâm phạm để giữ cho những cánh rừng mãi xanh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu ai vi phạm để buôn phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm theo hương ước của buôn. Đó cũng là lý do vì sao những cánh rừng đầu nguồn được bảo vệ chặt chẽ. Từ xa xưa, khi cần cây gỗ để làm nhà, trước khi chặt hạ người Ê Đê cũng phải làm lễ xin phép được chặt hạ, sau khi xong xuôi họ sẽ tiến hành trồng thay thế một cây con khác bên cạnh.
Hiện nay, Akô Dhông đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá văn hóa, ẩm thực gắn với không gian xanh - sinh thái - bản sắc.
Song song với đó, đô thị Buôn Ma Thuột có hệ thống sông, suối, mặt hồ, rừng… khá lý tưởng - là những yếu tố sinh thái để quy hoạch và phát triển thành phố.
Hướng đến đô thị xanh - sinh thái - bản sắc
Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng mục tiêu “Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố… theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên”. Trên cơ sở chủ trương, định hướng đó, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung xây dựng, chỉnh trang đô thị với hệ sinh thái xanh, bền vững.
Buôn Ma Thuột hiện là một trong những thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước và giữ vững vị trí top 10 thành phố xanh - sạch - đẹp nhất Việt Nam. Thành phố phấn đấu hết năm 2025 đạt tỉ lệ cây xanh toàn thành phố là 18m²/người, riêng khu vực nội thành là 9m²/người và tiếp tục tăng lên. Điều này đóng góp tích cực vào việc làm sạch không khí, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn về một đô thị xanh - sinh thái - bản sắc.
Đặc biệt, để cải tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị, TP. Buôn Ma Thuột quan tâm đầu tư, xây dựng các khuôn viên công cộng, khu vui chơi, cải tạo hành lang vỉa hè. Trong đó, đã đưa vào sử dụng các công trình như công viên Nguyễn Tất Thành, công viên Võ Văn Kiệt, góp phần tạo cảnh quan, không gian đô thị hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho hay, thành phố mong muốn các công trình này thực sự trở thành một điểm nhấn xanh, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là một điểm đến hấp dẫn, hữu ích cho nhân dân thành phố. Công viên được đầu tư đồng bộ với các phân khu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí đa năng cùng các hạng mục công trình phụ trợ và hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh và vườn hoa đa dạng.
“Các công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ góp phần phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển của TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời, mở rộng không gian sinh hoạt công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết, thành phố đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh lập đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo các dự án hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam và xây dựng đường vành đai phía Đông với chiều dài tuyến là 21,7km. Dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài dự án vay ODA. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay hơn 3.638 tỷ đồng, địa phương đối ứng trên 4.397 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2026 - 2031.