Người trồng hoa địa lan, lan hồ điệp ở TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã nhộn nhịp vào vụ thu hoạch. Công nhân hối hả thu hoạch, ghép các gốc thành từng chậu theo đơn đặt hàng của đối tác.
Địa lan và lan hồ điệp là những loại hoa chơi được thời gian khá lâu. Từ khi nở cho tới lúc tàn trong điều kiện bình thường có thể kéo dài tới hơn 3 tháng. Ngay từ đầu tháng Chạp, các đầu mối kinh doanh hoa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tới TP. Đà Lạt đặt hàng, vận chuyển về địa phương tiêu thụ trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Sâm, ngụ phường 7, TP. Đà Lạt cho biết, trồng hoa địa lan đòi hỏi kỳ công, đầu tư cho loại hoa này cũng tốn kém hơn rất nhiều.
“Thu hoạch địa lan Tết là công đoạn tốn nhiều thời gian, đó là chưa kể phải đóng vào thùng, bọc gói cẩn thận để vận chuyển quãng đường xa mà không làm hoa bị gãy, hư hỏng, ảnh hưởng tới chất lượng hoa Tết’’, ông Sâm chia sẻ.
Tương tự, ông Đinh Văn Hùng tại làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP. Đà Lạt cũng đang thuê 5 người gấp rút vào lưới cho nụ hoa cúc Tết. Năm nay, ông Hùng đầu tư tới 6.000m2 trồng hoa Tết, chủ yếu là cúc lưới vàng, kim cương, thường được thị trường ưa chuộng. Thời điểm hiện tại, giá hoa cúc đang rất thấp, điều này khiến gia đình ông Hùng không khỏi lo lắng. Đầu tư cho hoa cúc Tết dao động từ 25-35 triệu/1.000m2, tùy loại cúc. So với các vụ khác trong năm, việc gieo trồng hoa Tết thường có giá thành tăng khoảng 25%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thuê nhân công ngày Tết thường cao gấp đôi, gấp ba so với bình thường.
Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang cho biết, nghề trồng hoa ở Lâm Đồng hiện nay đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào tất cả các khâu, từ giống mới, vật tư, thiết bị, hệ thống điều khiển tự động, kỹ năng canh tác.
Trong đó, cây giống hoa với thương hiệu “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Trong thị trường nội địa, hoa Đà Lạt luôn chiếm ưu thế về mọi mặt, cả về chất lượng và số lượng. Diện tích, sản lượng hoa hằng năm tại Đà Lạt - Lâm Đồng tăng từ 5-7%. Đến nay, Lâm Đồng có gần 10.800ha canh tác hoa với trên 4,4 tỷ cành hoa và khoảng 400 giống hoa các loại. Dù vậy, nghề trồng hoa ở Lâm Đồng đang chịu cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm hoa ngoại nhập từ Trung Quốc, Equador, Đài Loan và sự cạnh tranh từ các vùng trồng hoa lớn khác trong nước.
“TP. Đà Lạt đã có các doanh nghiệp sản xuất hoa quy mô lớn, sản phẩm hoa xuất khẩu đi thị trường nhiều nước như Dalat Hasfarm, Apolo, Evergreen, YSA, Trường Hoàng và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường hoa quốc tế”, ông Phan Thanh Sang cho biết.
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, để phục vụ thị trường hoa Tết 2025, tỉnh Lâm Đồng đã xuống giống khoảng 1.650ha hoa cúc, cẩm chướng, cát tường, lay ơn, đồng tiền, tập trung nhiều nhất là TP. Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng.
Ngoài ra, có khoảng 7 triệu chậu hoa các loại cũng được đưa ra thị trường tiêu thụ trong dịp này. Hoa Tết Đà Lạt năm nay tiêu thụ phần lớn ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là các tỉnh miền Trung.