"Tín dụng đen" tiếp cận, cho vay rất nhanh với lãi suất rất cao ẩn dưới danh nghĩa nhiều loại phí, từng bước bào mòn người đi vay, kèm các thủ đoạn đòi nợ phi pháp, khiến cho nhiều công nhân phải nghỉ việc, lâm vào tình trạng khốn quẫn, gây mất ổn định đời sống, việc làm của công nhân, người lao động và an ninh trật tự xã hội nói chung.
Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn.
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới rất nhiều hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao...). Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn sẵn sàng dùng thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Tăng cường triển khai chương trình phúc lợi đoàn viên
Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, bảo vệ cán bộ công đoàn, giúp công nhân lao động yên tâm lao động, sản xuất, công tác, góp phần giữ vững an ninh trật tự, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các cấp công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động. Ở những công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động, những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, công đoàn còn phối hợp tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.
Các cấp công đoàn cũng tăng cường triển khai chương trình phúc lợi đoàn viên. Trong đó, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động; nhất là về tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ. Nhiều đơn vị đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn, như trao “Mái ấm công đoàn”; trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý. Công đoàn các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó, có biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, không để chúng thâm nhập công nhân lao động.
Cho đến nay, thoát "tín dụng đen" vẫn là nội dung quan trọng để các công đoàn địa phương, cơ sở thực hiện. Đơn cử, như tại Công đoàn TP. Hồ Chí Minh, việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn cho đoàn viên, người lao động góp phần tham gia phòng, chống "tín dụng đen" đã trở thành 1 trong 3 chương trình trọng tâm được Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đề ra. Theo đó, với dự án đồng hành cùng công nhân - lao động trong hành trình vượt nghèo của Tổ chức Tài chính vi mô CEP, đã mở rộng phạm vi phục vụ cho công nhân - lao động thông qua việc thành lập thêm các Chi nhánh, phòng, điểm giao dịch, điểm tư vấn tại các địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp công nhân - lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Cũng từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện quy trình và thủ tục, cải tiến sản phẩm tiết kiệm đoàn viên, giúp công nhân - lao động có thói quen tiết kiệm để dự phòng cho các rủi ro phát sinh, tránh vay "tín dụng đen".
Còn tại Bến Tre, song song với phòng ngừa “tín dụng đen” trong công nhân - lao động, Công đoàn tỉnh còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm để tăng thu nhập góp phần vào việc hạn chế "tín dụng đen" với nhiều biện pháp, hình thức thực hiện sáng tạo, áp dụng công nghệ thông tin, đổi mới đầy linh hoạt.