Hà Giang, Tuyên Quang cùng các địa phương trên cả nước đang triển khai chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, chuyến thăm và làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là dịp để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh hình dung về toàn bộ các công việc đã thực hiện trong thời gian qua, bàn về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Với sự trao đổi giữa các bộ, ngành và địa phương tại các cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng cán bộ chủ chốt là cơ hội để Hà Giang, Tuyên Quang nhận rõ hơn đâu là điểm mạnh và đâu là điểm còn khiếm khuyết, hạn chế cần khắc phục.
Hà Giang còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng không có nghĩa Hà Giang dậm chân tại chỗ và an phận, bằng lòng với vị trí của một tỉnh hội đủ các điều kiện khó khăn để nghèo. Theo dõi sự phát triển của Hà Giang thấy toát lên tinh thần nung nấu, quyết tâm cao để vươn lên thoát đói nghèo. Không chỉ khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương mà Hà Giang còn là một trong số những tỉnh luôn trăn trở, tìm tòi và học hỏi các tỉnh bạn trong quá trình tìm hướng phát triển đi lên. Với tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, Hà Giang đã từng thí điểm rất nhiều loại cây con và không phải cây nào cũng triển khai thành công. Gần đây nhất là cây cao su. Sau thời gian thí điểm đến vụ rét năm 2010 thì cây cao su bắt đầu... héo. Không nản lòng, những năm gần đây, Hà Giang chuyển sang cây dược liệu thông qua việc xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu và quy hoạch diện tích 10 nghìn hécta cho cây này. Chuyển từ trồng cây cao su sang cây dược liệu là một trong những ví dụ nhỏ cho thấy nỗ lực và sự trăn trở, suy nghĩ và sẵn sàng thay đổi của Hà Giang trên cơ sở đặc thù của địa phương. Hay trước đó, trong thời kỳ đại công trường, bên cạnh những hệ quả không mong muốn mà tiêu biểu là nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay còn lớn, thì hiệu quả, tác dụng mang lại cũng rất lớn. Đó là bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Hạ tầng thôn xã được bảo đảm, góp phần củng cố và ổn định chính trị của một tỉnh nhiều gian khó như Hà Giang. Và trên hết, so với một Hà Giang liên tục xin cứu đói của Trung ương trước đây và một Hà Giang đã hạn chế đến mức tối đa công việc này cho thấy Hà Giang đang xóa đói giảm nghèo bền vững và vươn lên.
Với Tuyên Quang, ấn tượng sâu sắc có lẽ ai cũng có thể cảm nhận rõ và dường như không bao giờ cũ, đó là địa thế rất đặc biệt của địa phương với diện tích tự nhiên hơn 5.800km2, là nơi sinh sống của 22 dân tộc. Trước hết, đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có quá trình lâu dài từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp... đến công cuộc đổi mới hiện nay. Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian khá dài sống, làm việc, chỉ đạo chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nhiều lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng ta và các cơ quan Trung ương từng đóng tại Tuyên Quang. Cũng chính từ nơi đây, trong những lúc nước sôi lửa bỏng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám, đã diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào và thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... Tiếp đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp, thì ở đâu mà u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi.../ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền. Rất đặc biệt. Vậy nên tại sao Bác Hồ gọi Tuyên Quang là Thủ đô của Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Một xã Mỹ Bằng thôi, nơi Tổng bí thư thăm và làm việc trong chuyến công tác, còn là nơi Tổng bí thư Đảng NDCM Lào Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Lào Hoàng thân Souphanouvong đã ở, làm việc và lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào... cũng khởi thủy ở đây trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Rõ ràng xét về truyền thống lịch sử, cách mạng văn hóa thì cả nước ta nơi nào cũng phong phú, nhưng cái đặc sắc của Tuyên Quang mà không nơi nào có được là Thủ đô gió ngàn, với bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức về nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã làm việc, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp - Tổng bí thư nói. Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển hiện nay, Tuyên Quang là địa bàn trung chuyển giữa miền xuôi và miền núi. Theo Tổng bí thư thì đây là những cái đặc biệt cần quán triệt sâu sắc để thấy rõ đặc điểm, đồng thời cũng là thế mạnh để Tuyên Quang phát triển đi lên. Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, Báo cáo của Tỉnh ủy cho thấy, đến năm 2013, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả mang dấu mốc lịch sử, đó là lần đầu tiên đạt 21/21 chỉ tiêu kế hoạch và lần đầu tiên hoàn thành vượt mức hai chỉ tiêu khó đạt nhất đối với Tuyên Quang từ trước tới nay là giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 của tỉnh đạt trên 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 16,5% so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2013. Về thu ngân sách, năm 2013, Tuyên Quang đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, bằng 109,2% dự toán, tăng 12% so với năm 2012. Kết quả tuy còn khiêm tốn so với cả nước nhưng là đáng khích lệ đối với một tỉnh còn không ít khó khăn như Tuyên Quang.
Và chắc chắn về với Thủ đô kháng chiến, giàu truyền thống cách mạng thì không thể không kể tới kết quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây có thể coi là một dấu ấn khá đậm của Tuyên Quang thời gian qua. Kết quả này thể hiện cụ thể ở công tác quy hoạch cán bộ. Những nhiệm kỳ gần đây, Tuyên Quang liên tục là một trong số ít các tỉnh bảo đảm được tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Nhiệm kỳ 2010-2015, Tuyên Quang có tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy đạt và vượt yêu cầu so với Chỉ thị của Bộ Chính trị. Cụ thể tỷ lệ cấp ủy viên là nữ đạt cao hơn quy định (29,1%), tỷ lệ cán bộ trẻ trúng cử ban chấp hành đạt cao nhất (18,2%); và là địa phương có độ tuổi bình quân ban chấp hành trẻ nhất (47 tuổi); tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 40%...
Nói như vậy không có nghĩa bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang và Tuyên Quang toàn màu hồng. Cũng có những hạn chế, khó khăn so với cả nước cũng như các địa phương trong vùng. Và một trong những hạn chế là quy mô kinh tế của Hà Giang, Tuyên Quang đều còn nhỏ, tăng trưởng phát triển còn chậm. Thu nhập bình quân đầu người ở mức 14 - 25 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân cả nước hiện đã là 40-50 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng có thay đổi so với trước, nhưng thẳng thắn thì chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo. Thu ngân sách trên địa bàn hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, có vị trí chiến lược thuận lợi như thế thì có băn khoăn, trăn trở gì không? Tỷ lệ hộ nghèo của Tuyên Quang hiện vẫn ở mức 18%, nếu cộng cả tỷ lệ cận nghèo thì con số này sẽ còn cao hơn.
Hay với Hà Giang, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh, đại diện các bộ, ngành cũng đặt câu hỏi: Hà Giang có nên phát triển công nghiệp không và nếu phát triển thì nên theo hướng nào? Có phải cứ tổ chức các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như các tỉnh dưới xuôi không? Thực tế, ở không ít địa phương đồng bằng với có nhiều điều kiện thuận lợi về đường giao thông mà có khi khu công nghiệp còn chưa được lấp đầy. Vậy, chỉ với bài tính về kinh tế thôi, thì các doanh nghiệp có chọn vượt bao nhiêu kilômét đường đất xa xôi, hiểm trở (dẫu rằng so với trước đã là thuận tiện hơn rất nhiều) để lên Hà Giang làm công nghiệp không?... Giải đáp cho câu hỏi này, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cho biết, Hà Giang chỉ phát triển công nghiệp ở mức như hiện nay thôi. Còn hướng phát triển rất rõ Hà Giang chọn cho hôm nay cũng như sắp tới là phát triển cây dược liệu và du lịch, để khai thác lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2014, Hà Giang tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác quy hoạch phát triển du lịch, đang cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án đưa Hà Giang trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.
Trong giai đoạn hiện nay, khi thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng chỉ còn hơn một năm nữa, thì một trong những chủ đề ưu tiên trong các chuyến công tác tại địa phương của Người đứng đầu Đảng ta là kiểm tra tình hình chuẩn bị cho công việc trọng đại này. Không ngoại lệ, với Hà Giang và Tuyên Quang, Tổng bí thư đều nhấn mạnh và chỉ rõ, hai địa phương cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra. Phong cách chỉ đạo phải thật quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội. Đồng thời với công việc này, Hà Giang và Tuyên Quang phải chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới, hướng đến Đại hội XII của Đảng. Đến nay, theo hướng dẫn của Trung ương, hầu hết các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai các phần việc theo đúng tiến độ, quy trình. Song Tổng bí thư cũng chỉ rõ chất lượng công việc thế nào mới là quan trọng. Chỉ với nhiệm vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội thôi, thì mong muốn là không làm chung chung, hời hợt và cuối cùng Đại hội cũng thông qua mà nếu có thể thì cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, rồi tranh thủ ý kiến của các bộ, ban, ngành... để chọn và quyết xem không chỉ 5 năm mà 10 năm tới, Hà Giang và Tuyên Quang sẽ phát triển thế nào? Với Hà Giang, kế thừa những thành quả và kinh nghiệm đã đạt được, thì phải tiếp tục khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Giang chính là phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp theo hướng chất lượng cao, đưa ứng dụng công nghệ, giống mới vào sản xuất, gắn với chế biến và xuất khẩu, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tiếp tục làm tốt những cây truyền thống đang mang lại giá trị kinh tế cao như cây cam, cây chè... hay tổng kết để có hướng ra rõ hơn cho cây dược liệu... Thực tế, với địa bàn núi đá như Hà Giang mà đưa thêm công nghiệp vào chắc là khó. Cho nên với cơ sở công nghiệp đã có thì cần tập trung để nâng cao chất lượng, nhất là công nghiệp khai khoáng và chế biến...
Cũng là tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ở trình độ cao, chất lượng cao, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu... như Hà Giang, nhưng lưu ý với Tuyên Quang là cần khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là thay đổi cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế quản lý khai thác tối đa thế mạnh của địa phương... Và với điều kiện cũng như kết quả đạt được của địa phương thì có thể nêu một mục tiêu tương đối cụ thể cho Tuyên Quang được không, hình dung Tuyên Quang đến năm 2020 sẽ như thế nào so với hiện nay? Lúc đó, thu ngân sách trên địa bàn chắc không phải hơn 1 nghìn tỷ đồng như hiện nay nữa mà sẽ là bao nhiêu? Trên cơ sở bàn định hướng như vậy thì sẽ biết rõ cần đi vào lĩnh vực gì và với nhiệm vụ như vậy thì cần có giải pháp, cơ chế gì để thực hiện?...
Để Hà Giang không mãi mãi tụt hậu và để miền núi tiến kịp miền xuôi không chỉ là khẩu hiệu, Hà Giang cần nhiều cú hích từ Trung ương và các bộ, ngành – đại diện Lãnh đạo Hà Giang kiến nghị với Tổng bí thư.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc... Trong hơn 778 nghìn hécta diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm 17% và đất lâm nghiệp chiếm hơn 42%, đất chưa sử dụng chiếm hơn 39%, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng, toàn tỉnh Hà Giang có 9 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả.
Nhiều lợi thế, tiềm năng còn đang chờ để được khai thác.
Cái khó trời phú của Hà Giang cũng là cái khó chung của địa bàn các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc... Các cơ quan Trung ương cần có trách nhiệm hơn với Hà Giang, Tuyên Quang và ngược lại Hà Giang, Tuyên Quang cũng phải chủ động hơn trong suy nghĩ, hành động để hoàn thiện con đường phát triển đi lên của từng địa phương.
Từ Hà Giang, Tuyên Quang, Tổng bí thư gợi mở về hướng đi trong thời gian tới không riêng cho hai địa phương mà cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Mỗi một chuyến thăm, mỗi buổi làm việc là cùng nghĩ, cùng trăn trở của Trung ương với địa phương, điều ấy sẽ thực sự tác động thiết thực để Hà Giang, Tuyên Quang có bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ miền núi cao, chót đỉnh địa đầu Tổ quốc; từ nơi khởi thủy của Nhà nước công nông, Người đứng đầu Đảng ta như nhìn xa hơn ra nước non ngàn dặm. Và, hình như đã nhìn thấy cả câu từ của Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.