Của tin gọi một chút này…

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:29 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Nhớ những câu chuyện âm thầm nhen lửa nghề của các bậc tài hoa, nghĩ về những con người đã nhuộm bạc tuổi đời với niềm say mê chăm chút cho nghệ thuật dân tộc, mới thấy bao điều trân quý. Trò chuyện với NSND Xuân Hoạch (cổ nhạc), NSƯT Thanh Ngoan (chèo), NSƯT Bạch Vân (ca trù), ngẫm ra thì sự khổ luyện, giữ nghề của các nghệ sĩ cũng như số phận của nghệ thuật truyền thống, vất vả nhưng đầy kiêu hãnh, tự hào.

Tìm lại tiếng xưa

- Hơn chục năm trước, NSND Xuân Hoạch đã kỳ công nghiên cứu phục chế cây đàn bầu với vóc dáng xưa cũ, rồi tham gia công cuộc chấn hưng hát xẩm. Điều gì thôi thúc ông làm những việc đó?

- NSND Xuân Hoạch: Theo âm nhạc, ban đầu tôi học đàn nguyệt rồi đàn đáy, sau tự mày mò làm đàn nhị hồ, đàn bầu… Phần là đắm nghiệp, phần thấy giá trị của nhạc cụ dân gian. Nghe đàn cải tiến, đầu tôi vẫn cứ vang lên thanh âm mộc mạc ngày xưa, thế là hì hụi theo lối cổ để trả tiếng thật cho đàn bầu. Năm 2004, khi thu một bài hát xẩm phỏng cây đàn bầu, tôi lại bị thôi thúc làm sao tìm tòi, làm sống dậy bộ môn nghệ thuật bấy giờ đã hầu như vắng bóng nghệ nhân. Cứ lần hồi như vậy mà nỗ lực thỏa cầu, nhìn lại thì cả cuộc đời đã gắn bó với âm nhạc dân gian.

- Dường như trong nhịp trở về với di sản, chạm tới hồn vía nhân sinh thế tục của bao lớp người đi trước, giấc mơ về nghệ thuật cổ truyền cứ khắc khoải, lớn dần. Hành trình của bà với ca trù thì sao, thưa NSƯT Bạch Vân?

- NSƯT Bạch Vân: Nhớ ngày tới gặp một nghệ nhân ở Quốc Oai (Hà Nội), vừa hỏi, cụ đã chắp tay bảo: Cô còn trẻ thế mà đi tìm nghề tôi à, nghề tôi mất rồi mà. Đỡ cụ vào nhà thì thấy cây đàn cần một nơi, thiềng một nẻo treo lửng lơ trên vách. Ca trù của thời hai ba mươi năm trước là thế, nghệ nhân phải giấu mình đi, thậm chí có người còn… đốt đàn. Tôi biết cụ Quách Thị Hồ hồi ấy phải đi gánh nước thuê, bà Phó Thị Kim Đức đi bóc lạc thuê rồi vào trường sân khấu học chèo, cụ Chu Vân Du là phó quản ca giáo phường Hưng Yên, 10 đời đàn hát mà đi làm thợ giặt, bà Nguyễn Thị Chúc về giữ ruộng, bán hàng xén… Xót xa bao nhiêu càng thấy mình phải vực nó dậy, dứt khoát làm nó sống lại, nếu không thì chẳng có ngày yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Rồi như có cái gì lôi tuột, từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh… cứ nghe đâu có người hát cô đầu là tôi lập tức lên đường.

- Đúng là với nghệ thuật cổ truyền, nhen lên ngọn lửa đã khó, giữ cho nó luôn cháy sáng cũng khó không kém. Không biết nỗ lực dẫn dắt Nhà hát Chèo Việt Nam thì sao, thưa NSƯT Thanh Ngoan?

- NSƯT Thanh Ngoan: Để bất cứ ai muốn hiểu nghệ thuật truyền thống đều có thể tìm về, Nhà hát cố gắng duy trì chiếu chèo cổ tối thứ Sáu hàng tuần, ít khách, nhiều khách cũng diễn. Bên cạnh dàn dựng tác phẩm mới, việc khai thác, phục dựng các lớp diễn cổ là một cách giữ lửa cho chèo. Chúng tôi hiểu rằng muốn giữ truyền thống thì đương nhiên không thể nào phá ra ngoài nó, bắt nhịp thời đại nhưng làm khác đi, sai đi sẽ đánh mất giá trị cốt lõi, bản sắc dân tộc.


Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan

Lợi danh nào mấy bạc tiền

- Phàm cái gì là tinh hoa, hàm chứa bản sắc dân tộc thì sẽ vững bền, âm nhạc cổ truyền bởi thế mà tồn tại đến nay. Nhưng qua lớp bụi thời gian, để tìm lại hào quang xưa quả là một chặng đường gian nan?

- NSƯT Bạch Vân: Nghệ thuật nào cũng lắm gian nan. Âm nhạc cổ truyền phải hay, phải đẹp mới tồn tại, nhưng tự thân nó có sống được không? Nói riêng ca trù, một thời gian dài bị đứt quãng như vậy nếu không có bàn tay gây dựng lại thì sẽ mất đi, hoặc giả chỉ còn trong ký ức, trong nuối tiếc. May mắn là chúng ta đã kịp nhận ra, nghệ nhân còn và thuyết phục được họ mở lòng.

Nhưng đôi câu chẳng kể hết được nhọc nhằn. Đằng đẵng mấy mươi năm ròng tôi về gặp nghệ nhân, ban đầu ai cũng chối. Tôi về Lỗ Khê (Bắc Ninh) gặp cụ Phạm Thị Mùi, hỏi có phải đây là cụ Mùi hát ca trù không, cụ xua tay bảo có biết ca nào, trù nào. Có lần nghỉ chân tại chợ Khâm Thiên (Hà Nội), một cụ ra sờ cây đàn bảo: Cô có cây đàn hay quá, hỏi thì cụ không nói gì rồi đi luôn. Đấy là những năm 1990 chứ đâu xa xôi. Chưa kể bao nhiêu đau đớn, tủi nhục, đắng cay với nghề họ dồn hết vào mình, thuyết phục được các cụ mở lòng thì cũng không dễ dàng gì học được ngay. Bà Phó Thị Kim Đức thử 3 năm, có đức mới dạy một bài, 5 năm mới dạy 2 bài. Phạm Thị Mùi lúc mời sang hát ở Bích Câu, cụ chỉ hát nói thôi, hỏi sao không hát thiên thai, hát chênh, hát bắc phản, hát mở…, cụ chỉ cười. Khi thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội (1991), tôi đi mời nghệ nhân không một ai làm chủ nhiệm, hôm ra mắt mời 200 người mà chỉ 5 người biết đánh trống…

- NSND Xuân Hoạch: Đúng là nếu cứ hờn hờn, tủi tủi thì không thể làm được nghề. Nghiệp hát nghiệt ngã, người ta tránh đi còn mình lao vào, khoác áo tơi, quần nâu nón lá trả lại hình bóng cho xẩm. Nhớ hồi diễn ở chợ Đồng Xuân, phố Hàng Đào, Hàng Ngang, kinh phí không có, tư liệu nghiên cứu chưa bài bản, ai nấy bảo nhau thôi thì kệ, cứ làm đã, vì đã đắm nghề rồi, việc nào khó mình làm từ từ, có quản đâu.

Để rồi những năm gần đây, người ta nói nhiều về sự khởi sắc của xẩm, ca trù… 

- NSND Xuân Hoạch: Đã là người Việt ai cũng có trong mình tình yêu đối với nghệ thuật cổ truyền. Chẳng qua là làm thế nào khơi ra, bằng cái tâm, cái trí, cái tài cho người ta thiết tha hướng đến.


Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch

- NSND Thanh Ngoan: Nói như NSND Xuân Hoạch cũng có phần lạc quan nhưng có lẽ chỉ đúng một vế. Nghệ sĩ bước lên sân khấu, phần đông đều cháy hết mình, ai cũng mong được khán giả công nhận, song vất vả vô cùng. Họ tập luyện, rèn giũa nhưng không có nơi mời biểu diễn, nhà hát không thể đỏ lửa cả tuần vì như vậy thì lấy tiền đâu… bù lỗ. Đi diễn các nơi tôi thấy nhiều người yêu ca trù, yêu chèo… nhưng bán vé thì khó. Mình làm nghề, muốn duy trì thường xuyên nhưng điểm trang rồi mà không có khách thì diễn với ai. Âu đó cũng là cái khó chung, biết vậy nhưng vẫn cứ làm.

- NSƯT Bạch Vân: Để ý sẽ thấy mỗi nghề đều có những con người gia tâm bảo vệ, sống chết cho nó, để nó luôn âm ỉ trong lòng người. Giữ nghiệp cha ông là vậy!

Sống đời với nghiệp ông cha

Có câu, người công phu thì cõi thiêng liêng của nghề cao quý ắt sẽ biệt đãi. Trong cuộc giữ nghiệp đầy nhọc nhằn, âm nhạc cổ truyền đã cho người gắn bó với nó những gì?

- NSND Xuân Hoạch: Âm nhạc dân gian cho tôi trước hết là cái đầu, cái tâm. Còn nghề này để mà sống được thì quả là khó. Có thời gian đời sống khổ quá, lương không đủ, tôi đi gọt đàn thuê, rồi đi thổi thủy tinh… Nghề ngoại đạo tính ra được đồng tiền nhiều hơn thật, nhưng tôi không mảy may so sánh, vẫn dồn hết tâm lực cho nhạc dân gian. Cực nhọc đấy nhưng bù lại được thanh thản, không gợn chút áy náy, cứ như mình sinh ra để làm việc ấy.

- NSƯT Bạch Vân: Nghề sẽ chọn người. Tôi cho như vậy và sẵn sàng quên ăn, quên ngủ cho ao ước cuộc đời là giới thiệu cái hay, cái đẹp của ca trù, để mọi người cùng chung nhau bảo vệ. Còn tôi cũng khổ đau nhiều chứ, năm tháng về các làng quê tìm ca trù có đắng cay, nhục nhã chứ, phải đã trả giá đắt chứ, nhưng mà cũng vinh quang lắm. Đến với ca trù, tôi có thêm tình yêu, niềm tin để sống.

Nghệ sĩ Thanh Ngoan từng chia sẻ, để tạo nên một nghệ sĩ hôm nay, ai chưa từng chết đi sống lại với nghề...

- NSƯT Thanh Ngoan: Sinh ra trên đời, mỗi con người đều được phân công vào một nhiệm vụ, nhiệm vụ nào cũng có cái khổ cực, vinh quang của nó. Tôi luôn cảm ơn con đường mà tôi đã phải trải qua vấp ngã, cảm ơn những lần đổ mồ hôi, sôi nước mắt vì nghệ thuật truyền thống để có một Thanh Ngoan trưởng thành hôm nay. Khi còn trẻ, đi diễn nhìn các thầy cô, anh chị, tôi tự hỏi rằng biết đến khi bằng tuổi họ mình có còn giữ được đam mê như thế hay không. Mặc tuổi cao, vất vả đi diễn hang cùng ngõ hẹp, họ cứ miệt mài, ốm no bò dậy, không kêu ai bao giờ. Tôi học nhiều từ những điều ấy và cứ gắn bó đến giờ. Đắng cay cũng giá trị như những phần thưởng cao quý vậy. Thầy tôi, NSND Trần Bảng hơn 90 tuổi rồi nhưng lần nào gặp cụ cũng bảo: Nghệ thuật truyền thống không thể mất được, vẫn còn có những người như các trò…


Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Vân

Không có niềm tin, sao đứng vững?

 So với các loại hình khác, hình như nghệ thuật truyền thống lận đận hơn song cũng vinh quang hơn?

- NSƯT Thanh Ngoan: Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng với chèo, với xẩm hay các bộ môn cổ truyền khác, chúng tôi tự hào vì càng làm càng hiểu rõ văn hóa dân tộc. Không thể hiểu hết được nhưng là hiểu sâu về lịch sử, ông cha mình. Truyền thống là máu thịt. Giữ nghiệp chèo, giữ nghiệp ca hát truyền thống thì ta mới là ta và trên bản đồ thế giới mới rõ rạng một đất nước Việt Nam. Tất nhiên còn nhiều yếu tố cộng lại nhưng nghệ thuật cổ truyền không bao giờ được để mất và tôi tin tưởng sẽ không mất.

“Sống được bằng nghề” lâu nay là nỗi niềm của rất nhiều nghệ sĩ, nhất là với loại hình nghệ thuật truyền thống?

- NSƯT Thanh Ngoan: Tôi lúc nào cũng phải động viên, vẽ ra một tương lai cho các bạn trẻ yên tâm, tin rằng làm tốt thì nghề không phụ. Mà những người làm nghệ thuật truyền thống như chúng tôi hiền lắm. Nhiều em ở quê ra, chỉ biết đi hát, đi diễn, cứ đắm đuối với nghề, được khán giả yêu quý là hạnh phúc, rời sân khấu lại về sống chen chúc trong ngôi nhà tập thể…

- NSND Xuân Hoạch: Thực ra nó là cái nghiệp đồng lần với nhau cả. Các thế hệ trước cũng khó khăn như thế thôi mà vì sao các thế hệ cứ phải nối tiếp nhau giữ nghiệp? Cách đây 4 năm, tôi cùng một số nghệ sĩ thành lập nhóm Đông Kinh cổ nhạc, ban đầu bảo cứ chơi cho mình, rồi thành ra diễn được, trải qua bao khó khăn tới bước này đã là quý lắm. Đấy là cái tâm ý hợp nhau, như các cụ cứ đau đáu với bản sắc dân tộc, để truyền thống ngấm vào máu thịt, truyền từ người này sang người kia.

Ai đó bảo, một dân tộc hôm nay nghèo thì ngày mai có thể giàu, hôm nay đau khổ thì ngày mai có thể sung sướng nhưng một dân tộc đánh mất đi gốc rễ văn hóa thì tương lai sẽ mờ nhòa. Phải chăng, niềm tin vào cái hay, cái đẹp vào văn hóa nghệ thuật cổ truyền đã tiếp sức cho các nghệ sĩ gắn bó với nghề?

- NSND Xuân Hoạch: Tôi cho rằng làm nghệ thuật như con tằm rút ruột nhả tơ, cứ tin yêu, say sưa, miệt mài với nó thì nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

- NSƯT Bạch Vân: Xã hội vần xoay, chỉ cần cái tâm sáng tỏ với nghề là được. Từ việc bị giấu đi, là cái gì hổ thẹn, mặc cảm, thì giờ đây ca trù được ghi nhận, xuất hiện trong các lễ hội, đình đền đã là thành quả cho những ai gắn bó, tâm huyết với nghệ thuật này. Ca trù tiến triển nhưng vướng ở chỗ không ai tổng kết nó. Để biết nó phục hồi đến đâu, đạt chuẩn mực của ông cha ở mức nào thì cần có bàn tay nghiên cứu nữa. Còn chúng tôi vẫn yêu, làm tốt nhất khả năng của mình để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.

- NSƯT Thanh Ngoan: Quá nửa đời gắn bó với nghệ thuật truyền thống, không có niềm tin như vậy thì sao nghệ sĩ chúng tôi đứng vững được. Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy rằng cuộc sống ở đâu cũng có sự vất vả, nghề nào cũng thế, người nào cũng thế, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn ngang cũng còn nhiều người khổ nhọc hơn mình. Lao động nghệ thuật càng như vậy, cứ phải nỗ lực tay năm tay mười, học hành rèn nghề và sống bằng niềm tin. Tôi vẫn bảo các nghệ sĩ trẻ rằng, khắp thế giới chẳng nước nào có chèo, chỉ Việt Nam thôi. Chèo hay ca trù, xẩm… là bản sắc của người Việt, rạng danh đất nước ở đấy, tự hào dân tộc cũng ở đấy. Bản sắc riêng ấy hài hòa và kết tụ lại thành mạch ngầm thì hội nhập ta sẽ không bị hòa tan.

Xin cảm ơn các nghệ sĩ!

Lê Thư thực hiện