Công tác khuyến nông thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp Hà Nội

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:35 - Chia sẻ
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thời gian qua đã được áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn sản xuất và phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, góp phần thay đổi thói quen canh tác và xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho vùng ngoại thành của Hà Nội.
Công tác khuyến nông giúp thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Hà Nội
Nguồn: ITN

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, năm 2020 vừa qua, Trung tâm triển khai thực hiện tổng số 22 dạng mô hình khuyến nông tại 101 điểm với trên 1.200 hộ nông dân tham gia, trong đó có 15 dạng mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 7 dạng mô hình chăn nuôi, thủy sản. Trước bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, diễn biến thời tiết cực đoan, nhiều mô hình vẫn đạt hiệu quả, sức lan tỏa rộng, được đông đảo nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã làm tốt công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn quỹ khuyến nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Đối với các vùng sản xuất tập trung, nguồn vốn cho vay được giải ngân xuống tận cơ sở bảo đảm an toàn thuận lợi cho các hộ vay vốn. Hết năm 2020, Trung tâm đã giải ngân  trên 75 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để phát triển sản xuất và thúc đẩy cơ giới hóa, đạt 95% kế hoạch. Tổng nguồn kinh phí quỹ khuyến nông có số dư đến hết năm 2020 là 204,177 tỷ đồng, trong đó kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển sản xuất là 150,882 tỷ đồng, kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển cơ giới hóa là 53,295 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trung tâm là đơn vị đứng ra tổ chức 7 diễn đàn khuyến nông “Nhịp cầu nhà nông” tại huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thạch Thất và Quốc Oai; 5 diễn đàn khuyến nông liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thúc đẩy hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Từ hiệu quả của chương trình, năm 2021, cùng với xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cho nông sản an toàn thủ đô cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất thông tin, với đặc thù có 3 xã miền núi, thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất đã triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm với quy mô 165 con. Từ mô hình điểm đó, người dân địa phương cũng đã mở rộng phát triển mô hình góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân vùng dân tộc miền núi trên địa bàn huyện.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thường Tín - ông Lê Văn Phúc thông tin, trên cơ sở quy hoạch vùng chuyển đổi của thành phố, Trung tâm đã giao cho các trạm khuyến nông cơ sở triển khai các mô hình khuyến nông phù hợp với thổ nhưỡng. Đối với huyện Thường Tín, trong năm 2020, Trạm Khuyến nông huyện Thường Tín cũng đã triển khai 6 dạng mô hình gồm sản xuất mạ khay, nhà lạnh bảo quản nông sản, mô hình máy làm đất đa năng công suất nhỏ và mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng cao QR15 và JO2. Đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là trọng tâm ưu tiên của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trong việc xây dựng các mô hình khuyến nông.

Trong năm 2021, Trung tâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông TP. Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng tập trung, tiên tiến, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới; từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập thế giới.

Tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản xuất tập trung, vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất. Tiến hành thẩm định và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân. Tập huấn cho nông dân tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông bảo đảm nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật nhà nước, cách thức quản lý và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân.

T. T