Thưa thiếu tướng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ông có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật trong công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an nhân dân?
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn: Nghị quyết 29 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước nói chung và công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an Nhân dân nói riêng. Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết có nội dung sâu sắc, bao quát, toàn diện, là căn cứ để các cấp, các ngành triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 29, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Trong đó, theo tôi có 5 thành tựu tiểu biểu nhất:
Thứ nhất, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân được kiện toàn, đảm bảo vừa phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân, vừa phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong từng thời kỳ. Trong đó, thực hiện Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 31.12.2019 của Thủ tướng phê duyệt. Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại các trường Công an nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của ngành Công an trong tình hình mới.
Thứ 2, hệ thống ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân được hoàn thiện đảm bảo phù hợp với Danh mục giáo dục đào tạo của Nhà nước và đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, nhất là yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của lực lượng Công an nhân dân khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và bố trí cán bộ ở 4 cấp công an.
Cùng với hoàn thiện ngành, chuyên ngành đào tạo, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu đổi mới, từng bước hoàn chỉnh mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng bám sát yêu cầu thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân và nâng cao kỹ năng thực hành, trình độ nghiệp vụ cho học viên.
Thứ 3, Bộ Công an đã thể hiện sự quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lực lượng Công an nhân dân ngay từ khâu tuyển đầu vào, nhất là công tác tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới và tuyển sinh đào tạo trình độ đại học Công an nhân dân đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngoài ngành Công an. Trong đó, việc tổ chức tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới theo Đề án số 04 (bắt đầu từ năm 2022) đã đạt được những kết quả và ưu điểm nổi bật: Bộ Công an là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc tổ chức kỳ thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh; cấu trúc đề thi đánh giá của Bộ Công an mang tính tổng hợp, đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh và có sự phân loại cao; công tác sơ tuyển, tổ chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố điểm, xét tuyển được thực hiện theo quy trình bảo đảm chặt chẽ; việc xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với bài thi đánh giá của Bộ Công an góp phần đảm bảo quyền lợi của thí sinh, không gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập, ôn thi theo tổ hợp của thí sinh đã thành nền nếp trong các năm trước đây.
Công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học Công an nhân dân đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngoài ngành Công an (bắt đầu thực hiện từ năm 2021) cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước về các ngành, chuyên ngành đào tạo mà Bộ Công an đang có nhu cầu tuyển chọn để tiếp tục đào tạo trình độ đại học văn bằng 2 trong các trường Công an nhân dân.
Thứ 4, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Công an nhân dân không ngừng được nâng cao về chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, phù hợp quy mô, yêu cầu nhiệm vụ của các trường Công an nhân dân trong từng giai đoạn.
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quản lý, giáo dục học viên trong quá trình học tập tại các trường Công an nhân dân. Điểm đổi mới quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục học viên các trường Công an nhân dân là chủ trương đưa học viên mới trúng tuyển vào các trường Công an nhân dân đi huấn luyện đầu khóa tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Qua đó, trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, lịch sử truyền thống Công an nhân dân, về tính chính quy, kỷ cương, kỷ luật của lực lượng Công an nhân dân; huấn luyện học viên về điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể chất nhằm đáp ứng yêu cầu học tập, rèn luyện, công tác trong lực lượng Công an nhân dân.
Thứ 5, Bộ Công an tăng cường công tác hợp tác đào tạo với các ngành và hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, nhất là hợp tác đào tạo những lĩnh vực mà các trường Công an nhân dân không đào tạo. Trong đó, đã mở rộng đối tác hợp tác; đổi mới phương thức hợp tác, không chỉ là cử cán bộ ra nước ngoài học tập, bồi dưỡng mà còn liên kết đào tạo; các ngành, lĩnh vực hợp tác nhìn chung đáp ứng và bám sát yêu cầu thực tiễn.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29, theo Thiếu tướng, những khó khăn nào cần phải tháo gỡ để công tác đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân đạt được mục tiêu đào tạo, cung cấp, bổ sung đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, phẩm chất, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, đáp ứng với đòi hỏi chung của đất nước và nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới?
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn: Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trong lực lượng Công an nhân dân có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, cũng còn những khó khăn. Cụ thể, việc áp dụng thực hiện một số chính sách, quy định của Nhà nước, của các bộ, ngành chức năng về công tác giáo dục và đào tạo có điểm chưa phù hợp với đặc thù công tác của lực lượng Công an nhân dân, như vấn đề hội đồng trường; việc thực hiện quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học; việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân...
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo của lực lượng Công an nhân dân bị hạn chế nhiều do yếu tố bảo mật thông tin; đặc biệt là hợp tác trao đổi học thuật, trao đổi hệ thống lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Việc tham khảo nội dung, chương trình đào tạo, tài liệu dạy học giữa các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân với các cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo cùng lĩnh vực cũng gặp những khó khăn.
Hệ thống các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa thực sự hiện đại và đạt chuẩn quốc gia. Nguồn kinh phí cho giáo dục và đào tạo của Bộ Công an do ngân sách Nhà nước cấp còn hạn chế; việc huy động kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách khó khăn. Trong khi để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế cần có nguồn kinh phí lớn để trang bị hệ thống cơ sở, vật chất, trang thiết bị thực sự hiện đại và đồng bộ, cũng như thực hiện chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo.
Để việc đổi mới giáo dục và đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phát huy hiệu quả, theo Thiếu tướng, trong thời gian tới cần bám sát những chủ trương, định hướng nào?
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn: Trong thời gian tới, đổi mới giáo dục và đào tạo vẫn là xu thế mang tính toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không chỉ là vấn đề của riêng đất nước chúng ta mà phải thực sự hòa nhập với môi trường quốc tế.
Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ Công an tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó “nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở 4 cấp Công an. Đó là những chủ trương quan trọng để Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân.
Cùng với đó, về phương hướng, Bộ Công an sẽ tập trung: xây dựng chiến lược, quy hoạch đào tạo cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng cán bộ; thực hiện đào tạo theo nhu cầu công tác và theo yêu cầu của vị trí việc làm; đảm bảo gắn công tác giáo dục, đào tạo với các nội dung, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở 4 cấp Công an.
Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cơ sở vật chất giữa các cơ sở đào tạo; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường Công an nhân dân với Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình đào tạo.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!