Xếp hạng đại học: Cốt lõi không phải thứ hạng mà ở giá trị ảnh hưởng và phụng sự xã hội

Xếp hạng ở một khía cạnh nào đó, là công cụ công ích giúp các trường đại học không bị “vô hình” trong bức tranh toàn cầu hóa. Nhưng điều cốt lõi không nằm ở thứ hạng, mà ở cách các trường biến những con số đầu ra, những kết tinh tri thức thành giá trị thực sự phụng sự cho sự phát triển.

Việc xếp hạng các trường đại học (được hiểu là sắp xếp các trường đại học theo thứ bậc dựa trên kết quả một tập hợp các chỉ số đã được xác định trước) - hoạt động vừa mang tính chất học thuật, vừa mang tính xã hội sâu sắc đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Câu hỏi đặt ra là: Xếp hạng đại học đóng vai trò như thế nào? Các bảng xếp hạng đại học hiện nay có thực sự tin cậy và khách quan? Làm thế nào để cân bằng giữa sự công bằng về phương pháp đánh giá và mục tiêu cải thiện thứ hạng nhằm nâng cao vị thế của các trường hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục và phụng sự xã hội?

Bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, việc xếp hạng đại học không chỉ đơn thuần là một "cuộc chơi xã hội" mà còn là công cụ định hướng chiến lược phát triển giáo dục, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu.

pgs-ts-tran-thanh-nam-1694996656388-1.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhiều cơ sở giáo dục “ám ảnh” với thứ hạng và vị trí trên bảng xếp hạng

Các bảng xếp hạng các trường đại học đã nổi lên từ đầu thế kỷ 20, chủ yếu phục vụ giới học thuật trước khi có được ảnh hưởng rộng rãi hơn. Chúng hiện được các Chính phủ sử dụng để đánh giá và cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia, thúc đẩy sáng kiến cải tiến chất lượng.

Xếp hạng đại học là một quá trình định kỳ đánh giá và xếp hạng các trường đại học dựa trên một số tiêu chí, như giải Nobel, các ấn phẩm học thuật, số lần trích dẫn và tỷ lệ sinh viên trên giảng viên. Những tổ chức xếp hạng đại học được thành lập đều có tiêu chí và phương pháp thu thập dữ liệu riêng. Một số tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng bao gồm Times Higher Education (THE), QS World University Rankings và Academic Ranking of World Universities (còn được gọi là Shanghai Ranking).

Có thể nói rằng, việc tham gia xếp hạng đại học trong thời gian qua đã mang lại một số lợi ích. Ví dụ như xếp hạng nhằm giúp sinh viên lựa chọn các trường đại học được xếp hạng cao để học tập và giúp trường đại học cải thiện chất lượng học thuật và hiệu suất của mình. Trường đại học có thứ hạng cao hơn có nhiều khả năng thu hút được nguồn tài trợ, cải thiện điều kiện làm việc và kết quả.

Xếp hạng đại học cũng có thể giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu các chương trình của trường đại học, định hướng mục tiêu để cải thiện. Về cơ bản, các trường đại học tham gia xếp hạng vì nó là một công cụ đo lường, cung cấp thông tin để đối sánh (benchmarking); là những bằng chứng giúp các nhà lãnh đạo ra quyết định và cũng là cách để quảng bá, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Đó cũng chính là mục đích ban đầu của các bảng xếp hạng đại học.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng ngày càng nhiều cơ sở giáo dục trở nên “ám ảnh” với thứ hạng và vị trí trên bảng xếp hạng. Thứ hạng này nếu lại được cường điệu qua các phương tiện truyền thông thì sẽ dẫn đến nhận thức sai lầm về vị thế xuất sắc, thúc đẩy xu hướng chạy theo thành tích định lượng, các mục tiêu ngắn hạn hàng năm thay vì chất lượng của các dịch vụ giáo dục và ảnh hưởng xã hội lâu dài.

Một nghiên cứu tương quan hồi quy bội sử dụng dữ liệu kết quả xếp hạng Đại học 2017 của U.S. News & World Report (USNWR) và dữ liệu từ Hệ thống Tích hợp Thống kê Giáo dục Sau Trung học (IPEDS) thuộc Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES) để phân tích các biến số giải thích điểm đánh giá xếp hạng 97 cơ sở giáo dục tốt nhất tại thời điểm đó. Phát hiện từ nghiên cứu đã khẳng định rằng thứ tự bảng xếp hạng của USNWR không gì hơn ngoài sự phản ánh kết quả số lượng hoạt động và nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục trong năm.

Lạm dụng xếp hạng, hệ quả tiêu cực là gì?

Nhiều học giả và nhiều bằng chứng nghiên cứu đi trước đã khẳng định những hệ quả tiêu cực tiềm năng của việc lạm dụng xếp hạng.

Thứ nhất, tập trung quá mức vào sự cạnh tranh, sao nhãng mục tiêu giáo dục. Bảng xếp hạng khuyến khích một nền văn hóa cạnh tranh khốc liệt giữa các trường, nơi mục tiêu chính là vượt qua các cơ sở khác thay vì cải thiện chất lượng giáo dục và nghiên cứu thúc đẩy học tập và tham gia cộng đồng.

Thứ hai, thiếu khách quan trong lựa chọn trường đại học cho người học. Sinh viên có thể dựa quá nhiều vào bảng xếp hạng để đưa ra quyết định chọn trường, mà không cân nhắc đến các yếu tố khác như vị trí địa lý, chuyên ngành, chi phí và chất lượng chăm sóc đời sống sinh viên. Kết quả là sinh viên có thể phải đối mặt với áp lực tài chính và tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ; sau khi tốt nghiệp vẫn không đủ các năng lực thực chiến để cạnh tranh trong thế giới việc làm. Các trường đại học có học phí cao và thứ hạng cao thường chỉ dành cho sinh viên giàu có, khiến bảng xếp hạng trở thành yếu tố gây ra sự loại trừ xã hội.

Thứ ba, thúc đẩy vi phạm liêm chính. Sự ám ảnh với bảng xếp hạng và các phần thưởng liên quan có thể khuyến khích hành vi vi phạm đạo đức. Một số trường đại học cố gắng thao túng vị trí xếp hạng của mình bằng cách tập trung vào các tiêu chí có trọng số cao trong hệ thống xếp hạng, thay vì các mục tiêu phát triển chất lượng toàn diện. Nguy cơ nhiều cơ sở giáo dục sẽ thao túng dữ liệu để cải thiện vị trí xếp hạng thay vì tập trung vào chất lượng giáo dục và dịch vụ. Các chỉ số này thường không phản ánh đầy đủ hoặc chính xác hiệu suất của cơ sở giáo dục.

Thứ tư, thiếu minh bạch và công khai về phương pháp & thuật toán. Các phương pháp, trọng số, thuật toán và dữ liệu sử dụng để xếp hạng không phải lúc nào cũng được công khai hoặc minh bạch, luôn có sự cập nhật thay đổi dẫn đến các bảng xếp hạng có thể không công bằng hoặc thiếu chính xác. Những vấn đề thường đề cập là: lỗi xác định công trình trích dẫn do mất thông tin về đơn vị công tác hoặc cách viết tên quá đa dạng; trọng số không hợp lý trong các bài báo trên Nature và Science; số lượng bài báo không phản ánh chất lượng nghiên cứu, với một tỷ lệ lớn bài báo đăng không có trích dẫn; phân tích trắc lượng thư mục dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus, Web of Science và Google Scholar cho thấy sự không nhất quán, thiên kiến về ngôn ngữ - công bố bằng tiếng Anh thường được ghi nhận và trích dẫn nhiều dẫu chất lượng nghiên cứu chưa tốt…

Cũng có nhiều phê bình rằng các phương pháp xếp hạng chủ yếu tập trung vào hoạt động nghiên cứu, ít chú ý đến các khía cạnh quan trọng khác như giảng dạy, học tập, phát triển chuyên môn và quản lý trường đại học.

Thứ năm, tạo sự so sánh thiếu công bằng. Bảng xếp hạng thường so sánh những cơ sở giáo dục không thể so sánh được do sự khác biệt lớn về bối cảnh, như giữa các trường đại học lớn và các trường cao đẳng nhỏ, hoặc giữa các hệ thống giáo dục khác nhau ở các quốc gia. Các bảng xếp hạng thường ưu tiên các trường tập trung vào nghiên cứu, bỏ qua giá trị của những trường chú trọng giảng dạy và đào tạo bậc đại học.

Điều này làm gia tăng bất bình đẳng giữa các trường ở các quốc gia giàu và nghèo, cũng như giữa các khu vực khác nhau. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn phê phán các bảng xếp hạng này dẫn đến nguy cơ làm mất đi bản sắc quốc gia trong giáo dục đại học. Vì các bảng xếp hạng toàn cầu lấy nguyên mẫu của hệ thống giáo dục phương Tây dẫn đến mâu thuẫn giữa việc đối sánh quốc tế và sứ mệnh phụng sự quốc gia.

Thứ sáu, tác động tiêu cực đến các trường có thứ hạng thấp. Những trường không có thứ hạng cao có thể gặp khó khăn trong việc thu hút tài trợ, giảm số lượng tuyển sinh và suy giảm danh tiếng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và nghiên cứu. Trong khi đó, các trường có thứ hạng cao thường nhận được nhiều tài trợ, thu hút nhiều sinh viên và giảng viên xuất sắc hơn, qua đó tiếp tục cải thiện thứ hạng, tạo ra một chu kỳ "giàu càng giàu, nghèo càng nghèo" (the rich get richer).

Thứ bảy, xu hướng thương mại hóa. Việc xếp hạng đại học ngày càng bị thương mại hóa, khi một số tổ chức yêu cầu phí từ các trường để được đưa vào danh sách hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn trả phí để cải thiện thứ hạng cho các cơ sở giáo dục. Điều này gây ra xung đột lợi ích ngầm và đặt ra nghi vấn về tính khách quan và hợp lệ của các bảng xếp hạng.

dhqghn-17172204901201378505271.jpg
Việc đánh giá chất lượng của nhà trường không thể bỏ qua xem xét cảm nhận của các thành viên trong trường, bao gồm sinh viên, giảng viên (Hình minh họa)

Cần đảm bảo sự minh bạch, chuẩn mực dữ liệu, tránh dẫn đến thiếu liêm chính

Bất chấp những chỉ trích về những nguy cơ, điểm hạn chế trong phương pháp xếp hạng, người ta tin rằng các bảng xếp hạng đại học toàn cầu sẽ tiếp tục tồn tại. Và mặc dù chẳng có một bảng xếp hạng nào bao quát, khách quan, công bằng tuyệt đối nhưng ảnh hưởng của chúng sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là về khía cạnh nhận diện và danh tiếng của các cơ sở giáo dục.

Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi nhận thức về diễn giải bảng xếp hạng, thay đổi văn hóa sử dụng các chỉ số định lượng cho mục tiêu đối sánh (benchmarking). Ví dụ như không tuyệt đối hóa đánh giá nhà khoa học dựa trên các chỉ số của bảng xếp hạng mà phải ghi nhận đóng góp của giảng viên và nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực hoạt động của trường (giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng). Không chỉ dựa vào thứ hạng trong báo cáo mà phải dựa vào sứ mệnh và sự đóng góp thực tế của CSGD vào sứ mệnh phụng sự đất nước. Không đầu tư tiền bạc sử dụng dịch vụ tư vấn của những người biên soạn bảng xếp hạng chỉ để đạt thành tích cao hơn trong bảng tổng sắp.

Cần ý thức rõ rằng những chỉ số được đo của các bảng xếp hạng như số lượng bài báo xuất bản, sinh viên tốt nghiệp hay các khóa học chỉ là yếu tố đầu ra (output) và chỉ là bề nổi của một bức tranh rộng lớn hơn. Thành công của một trường đại học nên được đánh giá dựa trên việc liệu sinh viên có đạt được mục tiêu giáo dục của họ và liệu trường đại học có thực hiện được sứ mệnh cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho xã hội hay không.

Việc đánh giá chất lượng của nhà trường cũng không thể bỏ qua xem xét cảm nhận của các thành viên trong trường, bao gồm sinh viên, giảng viên và nhân viên về trải nghiệm và nhận thức của họ. Một trường đại học thứ hạng cao không thể để đội ngũ gặp các khó khăn và mắc kẹt với áp lực và không thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Nói một cách khác, để thực sự đo lường giá trị và thương hiệu của một cơ sở giáo dục đại học, không phải chỉ có yếu tố đầu ra (output) mà cần chú ý đến các chỉ số kết quả (outcome) như khả năng có việc làm, mức độ hài lòng của sinh viên, có bao nhiêu cựu sinh viên thành đạt, thành lập được bao nhiêu công ty, tạo ra được bao nhiêu việc làm, tạo ra doanh thu bao nhiêu mỗi năm đóng góp vào GDP…

Đặc biệt là các chỉ số tác động (impact) liên quan đến ảnh hưởng xã hội, văn hóa, kinh tế và phát triển bền vững. Việc tích hợp các tiêu chí như vậy vào các bảng xếp hạng đại học có thể giúp ưu tiên tác động xã hội, sự đa dạng và tính hòa nhập, qua đó thúc đẩy một môi trường giáo dục đại học toàn diện và công bằng hơn.

Trong thời gian qua, xếp hạng chuyển dịch từ “ai giỏi nhất trong tổng thể” sang “ai giỏi nhất trong từng lĩnh vực cụ thể” (WHO good at what) và đang dần trở thành xu hướng. Chúng ta cũng không chỉ dùng các chỉ số xếp hạng để so sánh (benchmarking) mà với ý nghĩa là học hỏi từ chính bản thân mình và những cơ sở giáo dục khác trong cùng lĩnh vực để cải tiến và nâng cao chất lượng (benchlearning)

Đồng thời, những cải tiến như sự xuất hiện của tiêu chí impact trong bảng xếp hạng như THE đã cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá tác động lâu dài và sâu sắc của các trường đại học đối với xã hội. Đến hiện tại, Times Higher Education Impact Rankings là bảng xếp hạng toàn cầu duy nhất đánh giá các trường đại học dựa trên các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Phương pháp đánh giá sử dụng các chỉ số được hiệu chỉnh cẩn thận, so sánh toàn diện và cân bằng trên 4 lĩnh vực: nghiên cứu, quản trị, hoạt động cộng đồng, và giảng dạy. Đây cũng có thể là một kênh để các cơ sở giáo dục cung cấp dữ liệu về các SDG mà họ có khả năng thực hiện.

Phương pháp luận xếp hạng tác động cũng đã được phát triển cùng với Vertigo Ventures, Elsevier và có sự đóng góp từ các trường đại học, học giả và các nhóm ngành để loại trừ tối đa những hạn chế của phương pháp xếp hạng cũ. Để được xếp hạng tổng thể, các trường phải cung cấp dữ liệu về SDG 17 và ít nhất ba SDG khác. Điểm tổng thể được tính dựa trên điểm SDG 17 (chiếm 22%) và ba SDG tốt nhất khác (mỗi mục chiếm 26%). Điểm cuối cùng là trung bình của hai năm gần nhất.

Nói cho cùng, để xếp hạng trở nên ý nghĩa hơn, cần đảm bảo sự minh bạch, chuẩn mực dữ liệu và tránh những yếu tố dẫn đến thiếu liêm chính. Đặc biệt, các trường đại học cần tự xây dựng chiến lược phát triển riêng dựa trên sự tham gia của tất cả các bên liên quan, không chỉ để đạt thứ hạng cao mà quan trọng hơn là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, hướng đến sự công bằng, sáng tạo và phát triển bền vững.

Xếp hạng, ở một khía cạnh nào đó là công cụ công ích (public service) giúp các trường không bị “vô hình” trong bức tranh toàn cầu hóa. Nhưng điều cốt lõi không nằm ở thứ hạng, mà ở cách các trường đại học biến những con số đầu ra, những kết tinh tri thức thành giá trị thực sự phụng sự cho sự phát triển, từ chỗ quan tâm đến kết quả ngắn hạn đến trọng số vào tác động lâu dài, mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Giáo dục

Kiên Giang khen thưởng học sinh, giáo viên đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Giáo dục

Kiên Giang khen thưởng học sinh, giáo viên đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Ngày 22.1, Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức tuyên dương và khen thưởng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý đạt thành tích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025. Kỳ thi trong năm học này, Kiên Giang đạt 47 giải, tăng 9 giải, vươn lên đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Straitstimes
Quốc tế

Vì một thế hệ trẻ em sống lành mạnh

Bắt đầu từ năm 2025, mọi trẻ em từ lớp 1 đến lớp 3 tại Singapore sẽ được nhận một kế hoạch sức khỏe cá nhân. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia mang tên Grow Well SG, được thiết kế để giúp trẻ hình thành lối sống lành mạnh từ sớm, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Sáng kiến này được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Bộ Phát triển gia đình và xã hội cùng triển khai, chính thức ra mắt vào ngày 21.1.

Việt Nam và Cộng hoà Séc ký kết hợp tác giáo dục giai đoạn mới
Giáo dục

Việt Nam và Cộng hoà Séc ký kết hợp tác giáo dục giai đoạn mới

Theo ký kết hợp tác giáo dục giai đoạn mới giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc, hai nước sẽ hỗ trợ giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa của mỗi bên tại các cơ sở giáo dục đối tác, đồng thời trao đổi thông tin, tài liệu về quản lý và tổ chức giáo dục ở các bậc học, triển khai nhiều chương trình học bổng dài hạn và ngắn hạn.

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường
Video

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục 2018. Đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, kiến thức và sự sáng tạo của học sinh và giáo viên. Thư viện Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một trong những mô hình tiêu biểu, khi đã tạo nguồn cảm hứng để học sinh tìm đến đọc sách. 

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng
Chính trị

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Nhà giáo đã bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Ngành giáo dục không chủ quan với kết quả đạt được
Giáo dục

Ngành giáo dục không chủ quan với kết quả đạt được

Tại hội nghị Giám đốc các Sở GD-ĐT chiều ngày 20.1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu cần tiếp tục phát huy tinh thần của học kỳ 1, không chủ quan với những kết quả đạt được để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, cùng nhau quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề cho học sinh
Giáo dục

Phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề cho học sinh

Trong bối cảnh thị trường lao động đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ, việc phân hoá đầu ra theo năng lực và định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học trở thành xu hướng giáo dục cần thiết, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà còn để tạo điều kiện tối ưu cho học sinh phát triển năng lực cá nhân.