Mẹ cho tiền con mới chịu đi học
Chị Mỹ Hạnh (41 tuổi, Hà Nội) không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc đến cậu con trai đang học lớp 9. "Mỗi ngày, tôi phải đưa cho con 50.000 đồng thì con mới chịu đi học. Nếu không, con sẽ tự ý nghỉ học để đi chơi game. Thật sự tôi không biết bây giờ con đến trường để học hay chỉ để ngồi đó mà nghĩ về game", chị thở dài.
Theo chị, dù đã thử mọi cách từ nhẹ nhàng khuyên bảo đến những lời quát mắng, con trai vẫn không thay đổi. Thậm chí, con trai còn có dấu hiệu xa lánh mẹ, chỉ nói chuyện khi cần tiền.
“Tôi nói với con mẹ phải làm lụng vất vả biết bao mới kiếm được tiền nuôi con ăn học, nhưng con cũng chẳng quan tâm. Vì đã là lớp cuối cấp, để con duy trì việc đến trường, cực chẳng đã tôi đành phải dùng đến tiền”, chị bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Hải (37 tuổi, Hà Nam) cũng không khá hơn. Cô con gái lớp 7 của anh chán học đến mức thường xuyên nghỉ học.
“Có lần con tự ý lấy điện thoại của vợ tôi nhắn cho giáo viên xin nghỉ học. Nhiều lần con bảo với bố mẹ là đi học nhưng thực chất con không đến trường, cô giáo thông báo thì chúng tôi mới biết”, anh kể.
Vợ anh Hải trò chuyện với con thì con thú nhận mình không có bạn bè ở lớp, bị các bạn ghét bỏ, cô lập. Sự rạn nứt trong mối quan hệ bạn bè, cùng cảm giác cô đơn và lạc lõng, đã khiến cô bé chán ghét việc đến trường.
Giúp con tìm lại niềm vui đến trường bằng cách nào?
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia cao cấp trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), tình trạng chán học ở trẻ không phải hiếm gặp. Nguyên nhân sâu xa thường xuất phát từ chuyện trẻ không tìm thấy ý nghĩa và niềm vui của việc đến trường.
Nữ chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn con chán học, cách mà cha mẹ ứng xử chính là yếu tố quyết định liệu trẻ có thay đổi hay không. "Rất nhiều phụ huynh phản ứng bằng cách quát mắng, tìm mọi cách ép con phải đến trường. Điều này không chỉ khiến con càng thêm chán học mà còn chán cả cha mẹ”, cô Lanh nói.
Theo cô Lanh, cha mẹ cần trò chuyện, lắng nghe con nhiều hơn để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể khiến trẻ không muốn đi học. Trẻ đến trường không phải để đạt điểm cao hay để sau này có nhà lầu, xe hơi như cha mẹ mong muốn. Với trẻ, niềm vui khi được kết nối với bạn bè và cảm thấy bản thân có giá trị trong tập thể mới là động lực chính. Nếu trẻ gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè, trẻ sẽ cảm thấy chán ghét việc học, không có lý do để đến trường.
Vì vậy, cha mẹ nên tâm sự với con để tìm hiểu xem điều gì khiến các bạn ở lớp không muốn kết bạn với con. Sau đó, đồng hành, giúp trẻ giải quyết các vấn đề trong quan mối quan hệ với bạn bè.
Ngoài chuyện bạn bè, nhiều trường hợp trẻ chán học vì học kém. Trẻ học kém thường đối mặt với vòng luẩn quẩn đầy áp lực: Kết quả học tập thấp dẫn đến những lời chê bai từ bố mẹ, thầy cô, thậm chí là bạn bè. Điều này khiến trẻ cảm thấy tự ti, sợ hãi mỗi khi đến lớp. Tâm lý lo lắng, sợ sai và sợ bị phê bình khiến trẻ dần mất hứng thú học tập, tránh né việc học. Kết quả là kiến thức bị hổng, trẻ lại càng học kém hơn và vòng xoáy tiêu cực cứ thế tiếp diễn.
Để giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này, cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con, không chỉ trích hay so sánh mà thay vào đó là động viên và khích lệ. Với những môn học trẻ yếu, hãy bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, đồng thời tìm gia sư hoặc nhờ thầy cô hỗ trợ. Khi việc học tốt lên, trẻ sẽ nhanh chóng lấy lại sự tự tin và niềm vui học tập.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng ước mơ để kích thích động lực bên trong trẻ. Thay vì áp đặt những kỳ vọng xa vời, cha mẹ nên khuyến khích con tự đặt ra những mục tiêu học tập phù hợp với sở thích cá nhân. Đưa trẻ tham gia các buổi hội thảo, hoặc tham quan các ngành nghề thực tế cũng là cách để trẻ nhận ra ý nghĩa của việc học sẽ tác động tích cực đến tương lai của mình.
Khi trẻ dần tìm thấy niềm vui trong học tập, việc đến trường sẽ không còn là gánh nặng. Trẻ sẽ tự giác học tập, thích thú đến trường mà không cần cha mẹ phải giám sát hay thúc ép quá nhiều.