Quy mô tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin có thể tăng lên gấp đôi
Chia sẻ tại Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo năm 2024, tổ chức ngày 7.12, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết trong hơn 1 năm qua, tổ cộng tác Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã nghiên cứu rất nhiều mô hình trên thế giới liên quan đến đại học số và đã lựa chọn mô hình giáo dục đại học số cộng tác và chia sẻ để hợp tác triển khai tới đây.
Trong thời gian qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra các chiến lược, mục tiêu cụ thể liên quan đến nội dung cốt lõi của Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số. Theo đó trong chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ năm 2024 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác tuyển sinh, đào tạo và đảm bảo chất lượng. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, đơn vị sẽ xây dựng hơn 100 môn học MOOC (môn học đại chúng mở).
Năm 2023, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được 5 môn MOOC là các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học. Đến năm 2024, đơn vị đã triển khai cho học sinh Trường Phổ thông năng khiếu của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh học trực tuyến trước các môn MOOC và sau đó thi trực tiếp. Nếu đủ điểm, các em có thể dùng những tín chỉ này chuyển đổi khi vào các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2024, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục xây dựng 21 môn học MOOC, đến 2025 dự kiến xây dựng hơn 20 môn học MOOC và đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hơn 100 môn học MOOC trong toàn hệ thống.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh, triển khai mô hình giáo dục đại học số góp phần tăng quy mô trong điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực có liên quan phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số.
Mục tiêu cụ thể là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục, hướng đến tăng tối thiểu gấp đôi quy mô đào tạo nhân lực lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực khác có liên quan thông qua quá trình chuyển đổi số đồng bộ hoạt động đào tạo, khai thác triệt để mối quan hệ hợp tác, đồng hành và đồng cam kết với các bên liên quan, đặc biệt là với các trường đại học và doanh nghiệp.
“Nếu chúng ta triển khai được mô hình này, quy mô tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin của các trường có thể tăng lên gấp đôi với nguồn lực hiện có”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhìn nhận.
Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022 của TopDev, chúng ta cần khoảng 530.000 nhân sự công nghệ thông tin, nhưng thiếu khoảng 150.000 nhân sự (khoảng 30%). PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho rằng với phương thức đào tạo, nguồn lực hiện nay, nếu không ứng dụng chuyển đổi số, chúng ta sẽ không đáp ứng đủ nguồn nhân lực mà đất nước đang cần.
3 điểm mấu chốt của mô hình giáo dục đại học số
Theo Phó Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mô hình giáo dục đại học số cộng tác và chia sẻ có 3 điểm mấu chốt là có cơ chế phối hợp, vận hành; cùng nhau xây dựng học liệu số và có hình thức phối hợp trong đào tạo, tăng quy mô tuyển sinh và phối hợp với doanh nghiệp.
Để thực hiện Đề án nêu trên, PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh trước hết cần xây dựng thỏa thuận và triển khai hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin dưới dạng một tổ hợp (consortium).
Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách đảm bảo chất lượng tạo điều kiện thúc đẩy tăng quy mô đào tạo. Thứ ba, cần xây dựng các nội dung đào tạo, hình thức đào tạo cùng hệ thống học liệu thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ tư, cần xây dựng hệ thống quản trị tích hợp, hệ thống lưu trữ nội dung và vận hành các khoá học mở đại trà trực tuyến (MOOCs) đa ngôn ngữ. Trên thực tế, dung lượng của mỗi môn học MOOC không thấp, số lượng sinh viên học cũng rất nhiều nên hệ thống hạ tầng về lưu trữ, vận hành không phải đơn giản khi tăng lên hàng trăm, hàng ngàn môn học MOOC.
Thứ năm, cần xây dựng và triển khai các không gian hỗ trợ học tập khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua các ứng dụng công nghệ phù hợp, giúp sinh viên có thể học tập mọi lúc mọi nơi.
Về cơ chế, chính sách triển khai, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đại học được giảng dạy trực tuyến 30%, còn lại trực tiếp. Do vậy, muốn thực mục tiêu tăng quy mô tuyển sinh gấp đôi với nguồn lực hiện có, cần tăng khối lượng giảng dạy trực tuyến từ 30% lên 50% trong chương trình đào tạo, giảng dạy bằng các môn học MOOC và công nhận tín chỉ giữa các đơn vị phối hợp triển khai.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ các học viên cao học, nghiên cứu sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo; giáo sư đầu ngành từ các cơ sở đào tạo trên thế giới để tăng đầu mối giáo viên. Tổ chức một học kỳ doanh nghiệp chiếm 30% tổng thời gian đào tạo. Công nhận chuyển đổi tín chỉ (tối đa 50%) các khóa học mở đại trà trực tuyến (MOOCs) của các khóa học trực tuyến (MOOCs) cùng phối hợp và xây dựng bởi các cơ sở đào tạo trong tổ hợp. Xây dựng hệ thống chứng chỉ tích hợp hoặc công nhận chuyển đổi phù hợp vào chương trình đào tạo dài hạn.
Về điều kiện tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng không gian giảng dạy và học tập, xây dựng các môn học MOOC cũng như Blended learning (học tập kết hợp), thư viện số (học liệu số + bài giảng số); xây dựng phòng thực hành ảo, mô phỏng số để sinh viên sử dụng ngay trên hệ thống trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần một cổng dịch vụ công quốc gia để tận dụng hạ tầng thiết bị kết nối, hệ thống bảo mật, hệ thống thanh toán khi triển khai các môn học MOOC. Phía doanh nghiệp phối hợp với trường phải có không gian hợp tác để tạo không gian thực tập, làm việc cho sinh viên trên môi trường số.
Cũng theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, muốn thực hiện được Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, phải có các điều kiện đảm bảo chất lượng như xây dựng cơ chế vận hành tổ hợp (consortium); Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn khóa học trực tuyến, hệ thống học liệu số; Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu đối với nền tảng kết nối chia sẻ trong tổ hợp; Quy định giảng dạy - học tập; kiểm tra - đánh giá trực tuyến; Cơ chế hợp tác và đồng hành trong quá trình đào tạo của các doanh nghiệp/tập đoàn; Hình thành và triển khai hệ thống khảo sát các bên có liên quan.
Dự kiến, tổ hợp này được hoạt động bởi Ban điều hành gồm 5 thành viên là Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Trong đó, đại diện Bộ GD-ĐT là Trưởng ban Ban điều hành. Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục tham gia Đề án là Phó Trưởng ban Ban điều hành. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là Phó Trưởng Ban điều hành thường trực. Đại diện lãnh đạo trường đại học thành viên/Khoa/Phòng của cơ sở giáo dục là Ủy viên.
Ban điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế phối hợp triển khai để tổ chức thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án; triển khai các nhiệm vụ/giải pháp của Đề án thông qua các công tác cụ thể.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng kiến nghị cần sớm phê duyệt Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số. Đầu tư hình thành Hệ thống quản trị tích hợp nền tảng chung để triển khai mô hình giáo dục đại học số; có cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực triển khai hiệu quả tổ hợp/liên minh trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, cần có cơ chế vận hành và mô hình quản lý tài chính phù hợp để cộng tác và chia sẻ một cách bền vững các nguồn lực (nhân lực, nền tảng kỹ thuật, hệ thống bài giảng số, hệ thống khóa học mở đại trà trực tuyến).