Công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi pháp luật

- Thứ Tư, 03/11/2021, 05:55 - Chia sẻ
Tại tọa đàm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng qua, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật của nước ta đều nhất trí cho rằng, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần tiếp tục kế thừa và phát triển, nâng tầm các nguyên tắc, quan điểm của Nghị quyết 48 - NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và bổ sung các quan điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tính công khai, minh bạch hơn nữa cả trong quy trình xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
	Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu tại tọa đàm Ảnh: Lâm Hiển
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu tại tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Không thể duy trì tình trạng đồ sộ, nhiều tầng nấc

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm xây dựng Chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, Chiến lược đã được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và giao cho Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII phải ban hành được Nghị quyết về vấn đề này. Như vậy, Chiến lược lần này có tầm khác và theo đó, đặt ra những yêu cầu, mục tiêu, quan điểm, phương hướng cũng phải khác so với Nghị quyết 48 - NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Đại hội XIII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước "phát triển, thu nhập cao", trong đó, “đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống của người dân”. “Cả tiêu chí về chất và lượng trong mục tiêu phát triển đất nước của giai đoạn tới đã hoàn toàn khác so với giai đoạn khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 48. Bối cảnh và điều kiện phát triển khác nhau nên việc xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật trong giai đoạn tới cũng phải khác so với vừa qua”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, tổng kết Nghị quyết 48, Trung ương đã đánh giá hệ thống pháp luật hiện nay còn rườm rà, cồng kềnh, hiệu lực thấp. Do đó, phải rà soát lại, làm gọn lại, không phân biệt pháp luật Trung ương hay pháp luật địa phương mà chỉ có pháp luật Việt Nam. Phải xác lập vị thế của các đạo luật; nên hạn chế ban hành các pháp lệnh, nghị quyết liên tịch. Các văn bản pháp luật do Chính phủ và chính quyền địa phương ban hành cũng phải gọn lại, hạn chế rõ phạm vi điều chỉnh đến đâu. “Hệ thống pháp luật giai đoạn tới không thể duy trì tình trạng đồ sộ, nhiều tầng, nhiều nấc như vừa qua mà dứt khoát phải gọn gàng hơn, rõ ràng hơn”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất cần tiếp cận ở góc độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các lĩnh vực của đời sống xã hội để bảo đảm tính bao quát, toàn diện hơn. Phải đánh giá sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện của hệ thống pháp luật từ các nguồn luật cho đến các quy phạm cụ thể. GS. Phan Trung Lý nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật giai đoạn tới là phải bảo đảm tính công khai, minh bạch hơn nữa. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, đề nghị 3 khâu đột phá quan trọng để xây dựng Chiến lược gồm: Đột phá về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật và đột phá phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao.

Đi vào các nội dung cụ thể hơn, GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, cần tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế bớt việc giao Chính phủ hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết. “Xuyên suốt trong quá trình lập pháp từ giai đoạn đề xuất sáng kiến lập pháp đến soạn thảo, xem xét, thông qua tại Quốc hội cần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ, tức là thượng tôn hiến pháp và pháp luật trong cả xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật”, ông nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc ban hành văn bản pháp luật là rất quan trọng vì pháp luật muốn tồn tại, muốn người dân tâm phục, khẩu phục để nghiêm túc tuân thủ thì pháp luật đó phải đúng đắn, đạt được công lý chứ không phải là ý muốn chủ quan của người ban hành hay cơ quan đề xuất ban hành. Điều này liên quan trực tiếp đến quy trình “sản sinh” ra các quy phạm pháp luật.

“Các quy phạm hiện đang được ban hành ở rất nhiều tầng nấc khác nhau nhưng tính hiệu lực, hiệu quả mới ở mức độ nhất định. Nếu chúng ta không đổi mới mạnh mẽ hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, trong đó phải làm rõ vấn đề kỹ thuật lập pháp và tính chính trị của lập pháp thì chất lượng các quy phạm sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn”. TS. Nguyễn Sĩ Dũng mong muốn Quốc hội phải rất “khó tính” trong việc thông qua luật, “càng khó tính, càng cắt giảm được nhiều quy phạm thì đất nước càng phát triển, nếu phải xin phép khắp nơi, tuân thủ khắp nơi thì chúng ta sẽ tự bó chặt sự phát triển”.

Pháp luật phải được thực thi hiệu quả, công bằng

Trao đổi tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với các chuyên gia về việc Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần tiếp tục kế thừa và phát triển, nâng tầm các nguyên tắc, quan điểm của Nghị quyết 48 và bổ sung các quan điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ quan điểm của một số chuyên gia quốc tế khi đánh giá về vai trò của Nhà nước trong hệ thống pháp luật của các quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, ở các nền kinh tế đang chuyển đổi, vai trò của Nhà nước vẫn rất lớn, không thể đặt vai trò của Nhà nước và thị trường ngang nhau. Nếu ban hành luật quá chặt theo chuẩn của các nước đã có hệ thống pháp luật hoàn thiện và trình độ pháp luật phát triển ổn định cả trăm năm thì chúng ta sẽ tự bó buộc sự phát triển của chính mình.

Chia sẻ quan điểm của các chuyên gia về việc phải hạn chế ủy quyền lập pháp và luật “khung”, luật “ống”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một mặt phải khắc phục tình trạng này, không để xảy ra câu chuyện cài cắm các lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm hoặc không bảo đảm đúng quy định của Luật trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2030, nền kinh tế nước ta vẫn đang chuyển đổi, đất nước đang phát triển, có những vấn đề cuộc sống đang diễn ra, chưa kiểm nghiệm được trong thực tiễn, nếu luật pháp cứ đóng cứng lại thì vừa ban hành được vài ba năm đã phải sửa đổi. Do đó, vẫn cần có các điều khoản “quét” giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để kịp thời điều chỉnh nhằm đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn.

“Điều quan trọng không phải là có bao nhiêu điều khoản giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, giao nhiều hay ít, mà là giao như vậy có đúng không? Nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn mà giao là đúng đắn, hợp lý thì vẫn phải giao. Nhưng một điều giao mà không đúng, không hợp lý thì cũng kiên quyết không giao. Điểm cốt lõi là các vấn đề đó đã đủ rõ để quy định chi tiết, ổn định ngay trong luật hay chưa”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.  

Về tổ chức thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm hiệu quả, công bằng, nghiêm minh, trong đó, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan hành pháp và cũng gắn rất chặt với cải cách tư pháp. Bởi nói tổ chức thi hành pháp luật thì gồm rất nhiều việc, từ ban hành văn bản hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật… nhưng cuối cùng, để pháp luật được thực thi hiệu quả và công bằng thì phải có một hệ thống tư pháp công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, thực sự vì dân. Cùng với đó, kinh nghiệm của một số nước có mô hình gần gũi với nước ta như Trung Quốc đã thành lập Ủy ban giám sát thực thi pháp luật từ Trung ương xuống địa phương, chuyển từ mô hình phi tập trung sang mô hình tập trung và được xác định như một cơ quan quyền lực thứ tư giám sát việc thực thi pháp luật. Với đánh giá chung của các chuyên gia đều cho rằng, tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu như hiện nay thì đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy đây mới là cuộc tọa đàm chuyên gia đầu tiên nhằm xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ý kiến của các chuyên gia đã gợi mở nhiều vấn đề đóng góp cho cho Tiểu ban xây dựng Chuyên đề.

Nhấn mạnh tính chất quan trọng của Chuyên đề này trong tổng thể Đề án của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến về các vấn đề chuyên sâu hơn. Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, nghiên cứu và hoàn thiện Chuyên đề đạt chất lượng tốt nhất trình Ban Chấp hành Trung ương.

Nguyễn Bình