Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

Công an xã đủ khả năng tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

- Thứ Hai, 25/10/2021, 10:55 - Chia sẻ
Sáng 25.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn chính sách, pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo yêu cầu đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm với lộ trình hội nhập của đất nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung nhiệm vụ của công an xã trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin tội phạm là hết sức cần thiết và phù hợp. Với quy định tại Luật Công an Nhân dân hiện nay thì lực lượng công an xã là có thể đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ này. Hiện nay, các xã đã được bố trí khoảng 45 nghìn công an chính quy để đảm nhiệm chức danh công an xã. Trong đó, trên 50% số công an xã có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc làm công tác điều tra hình sự. Như vậy nguồn nhân lực của của công an xã đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ trong việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Ảnh: Quang Khánh

Thời gian qua, tình hình thiên tai, mưa bão, lũ lụt gây hậu quả nặng nề với nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động tố tụng bị ảnh hưởng, gián đoạn, trì hoãn, kéo dài. ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, việc bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 148; điểm d Khoản 1 Điều 299; Điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết bởi việc không thể tiến hành tố tụng để giải quyết nguồn tin về tội phạm dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền không xác định được có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án khi thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền không thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định của luật.

Đồng tình quan điểm này, ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng, từ thực tiễn hiện nay một số tố giác tin báo về tội phạm hết thời hạn giải quyết nhưng cơ quan điều tra không đủ căn cứ ra quyết định khởi tố, không khởi tố, cũng không có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự. Với những lý do như người bị tố giác không ở nơi cư trú, không biết họ ở đâu, việc triệu tập lấy lời khai các vấn đề liên quan đến nội dung tố giác không thực hiện được dẫn đến lúng túng trong thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo tội phạm trong trường hợp không thể triệu tập lấy lời khai vấn đề có liên quan đến tố giác để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ giải quyết đúng đắn, đầy đủ các tố giác và tin báo.

Quang Khánh