“Nặng như hình sự vẫn quy định thời hiệu truy cứu”
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung một số hình thức tố cáo mới (bản fax, thư điện tử, qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền). Các Ủy viên UBTVQH còn băn khoăn với hình thức tố cáo qua điện thoại. Đây không phải là vấn đề mới, mà đã quy định trong một số luật hiện hành, được áp dụng phổ biến. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu |
Trên thực tế, tại Kỳ họp thứ Tư, khi lấy ý kiến ĐBQH về vấn đề này, tỷ lệ ĐBQH đồng ý quy định thời hiệu tố cáo cao hơn tỷ lệ đồng ý không quy định về thời hiệu này, song cũng không chênh lệch nhiều. Dù vậy, trên cơ sở cân nhắc ý kiến ĐBQH, đối chiếu với các quy định tương tự của hệ thống pháp luật, Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo.
Lý lẽ được đưa ra: Bản chất của tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật và khắc phục hậu quả (nếu có) để khôi phục, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, không thể buộc từng cá nhân phải xác định xem có còn thời hiệu hay không trước khi quyết định thực hiện quyền tố cáo. Việc cân nhắc, đánh giá về tính chất, mức độ nghiêm trọng, chế tài xử lý đối với hành vi bị tố cáo phải là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) không nên quy định về thời hiệu tố cáo, mà chỉ nên quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Mặt khác, vấn đề thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm pháp luật đều đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Nhưng một số ý kiến cho rằng vẫn cần quy định thời hiệu tố cáo, vì thường nếu quá thời hiệu đề ra sẽ khó khăn trong quá trình xử lý. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ: Thời hiệu tố cáo cần có điểm dừng, để tránh tình trạng cơ quan nhà nước vẫn phải xem xét một hành vi vi phạm đã xảy ra từ rất lâu, không còn nguy hiểm, hoặc không còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, công dân. Việc xem xét thụ lý hay không thụ lý một sự vụ đã diễn ra mấy chục năm trước sẽ gây lãng phí thời gian và công sức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh: Nặng như hình sự vẫn quy định thời hiệu để Nhà nước tuyên bố rằng hành vi đó, vì quá lâu và do tính chất, nên không còn nguy hiểm cho xã hội, để người dân biết, không đi tố giác và cơ quan nhà nước biết không đi thụ lý để giải quyết những việc đó.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp |
Ảnh: Quang Khánh |
Đã quy định ở nhiều luật khác
Dù rằng, việc quy định rõ thời hiệu tố cáo sẽ giúp xác định được điểm dừng và tạo sự ổn định nhất định trong xã hội về mảng việc này, nhưng nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ rõ, trong khoa học pháp lý có ba loại thời hiệu gồm: Thời hiệu tố cáo hay thời hiệu tố giác tin báo tội phạm vi phạm pháp luật; thời hiệu truy cứu trách nhiệm pháp lý; và thời hạn giải quyết vụ việc. Được nhắc đến nhiều trong khoa học pháp lý, cũng như được luật hiện hành quy định, thì chỉ có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu xử lý hành chính và thời hiệu xử lý kỷ luật. Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, phương án không quy định thời hiệu tố cáo được lựa chọn là nhằm thực hiện đạo lý “người dân hay tổ chức, đơn vị chỉ cần biết có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra sẽ được tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền, còn việc cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu”. Cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết mới có thẩm quyền xem xét việc đó có còn thời hiệu truy cứu hay không.
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm UB Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được xây dựng theo mô hình luật hình thức, nên việc quy định quá chi tiết thời hiệu tố cáo là không phù hợp, vì thường chỉ trong luật nội dung mới quy định chi tiết. Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cùng quy định thời hiệu tố cáo, thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, trong khi lại không thay thế được các luật khác. Dù dự án Luật không quy định không có thời hiệu tố cáo, song vẫn quy định thời hiệu tố cáo sẽ áp dụng theo quy định của các luật khác. “Nội dung này đã bàn rất kỹ, được các cơ quan và các chuyên gia lâu năm trong ngành thống nhất” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định về thời hiệu tố cáo, song vẫn quy định thời hiệu để giải quyết tố cáo. Đây có lẽ là lựa chọn phù hợp, nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ còn phải tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các điều khoản quy định về nội dung này, trước khi trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới.