Được biết, văn bản này sẽ còn phải qua 2 lần đọc nữa tại Quốc hội để được thông qua và ban hành.
Thực tế, Chính phủ theo chủ nghĩa tôn giáo - dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Netanyahu đưa ra kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp từ đầu năm, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức. Những thay đổi được đề xuất bao gồm hạn chế lệnh của Tòa án tối cao, đồng thời trao cho Chính phủ quyền quyết định trong việc bổ nhiệm các thẩm phán. Nhưng với nhiều cảnh báo đến từ các đồng minh phương Tây của Israel, tình trạng bất ổn gia tăng và đồng tiền shekel giảm giá, Thủ tướng Netanyahu phải đình chỉ nỗ lực trên vào cuối tháng 3 để cho phép đàm phán với các đảng đối lập. 3 tháng sau đó, ông Netanyahu khởi động lại quá trình làm luật, với việc thúc đẩy dự thảo Luật Nguyên tắc về tính hợp lý, trong đó loại bỏ một số thay đổi được đề xuất ban đầu, chẳng hạn như điều khoản cho phép Quốc hội bác bỏ phán quyết của tòa án, trong khi vẫn tiếp tục với những điều khoản khác.
Dự thảo Luật Nguyên tắc về tính hợp lý mới là gì ?
Đây là sửa đổi sẽ hạn chế khả năng của Tòa án Tối cao trong việc vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ, các bộ trưởng và các quan chức được bầu bằng cách tước bỏ quyền của các thẩm phán khi cho rằng các quyết định đó là “không hợp lý”. Hiện tại, tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp, nếu cho rằng nó "thiếu hợp lý" hoặc chưa được cân nhắc đầy đủ, kể cả trường hợp quyết định đó không vi phạm pháp luật.
Những người ủng hộ nói rằng, điều này sẽ cho phép quản trị hiệu quả hơn trong khi vẫn để lại cho tòa án những tiêu chuẩn kiểm tra pháp lý khác, chẳng hạn nguyên tắc cân bằng - hợp lý, vốn là nguyên tắc cơ bản trong các hệ thống nguyên tắc pháp lý chung. Ngược lại, những người phê phán lại lập luận, nếu không có các kiểm soát và cân bằng dựa trên cơ sở Hiến pháp, điều này sẽ mở cánh cửa cho tham nhũng lẫn lạm dụng quyền lực.
Sự bất bình của Chính phủ Israel với cơ quan tư pháp bắt nguồn từ nhận thức rằng, cơ quan này thiên tả, theo chủ nghĩa tinh hoa và tham gia quá mức vào các vấn đề chính trị. Theo một số thành viên của liên minh cầm quyền, tòa án ưu tiên quyền của thiểu số hơn lợi ích quốc gia và đảm nhận quyền lực lẽ ra phải được trao cho các quan chức dân cử.
Nhiều tranh cãi
Dự luật cải cách tư pháp của Israel gây ra nhiều tranh cãi và dẫn tới một trong những làn sóng phản kháng lớn nhất từ trước đến nay tại Israel kể từ khi Chính phủ thông báo kế hoạch hồi tháng 1 năm nay. Hàng chục nghìn người biểu tình xuống đường trong các cuộc tuần hành hàng tuần, yêu cầu dừng kế hoạch cải cách. Họ tin rằng, nền dân chủ đang bị đe dọa vì Chính phủ cực hữu đương nhiệm sẽ hạn chế sự độc lập tư pháp, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về ngoại giao và kinh tế. Các cuộc thăm dò cho thấy, cuộc đại tu tư pháp này không được lòng phần lớn người Israel, vốn đang lo lắng về chi phí sinh hoạt gia tăng và các vấn đề an ninh. Theo kết quả thăm dò mới nhất được công bố cuối tuần qua do kênh truyền hình công cộng Kan của Israel thực hiện, chỉ có 31% người Israel được hỏi ủng hộ thay đổi, trong khi có tới 43% phản đối.
Quốc hội Israel là cơ quan lập pháp đơn viện gồm 120 ghế, và Chính phủ chiếm đa số 64-56 ghế nên có ảnh hưởng đáng kể. Vì Văn phòng của tổng thống chủ yếu mang tính nghi lễ nên Tòa án Tối cao được coi là pháo đài của nền dân chủ bảo vệ các quyền dân sự và pháp quyền. Bản thân đồng minh Mỹ cũng thúc giục Thủ tướng Netanyahu tìm kiếm thỏa thuận rộng rãi về cải cách tư pháp và giữ cho ngành tư pháp độc lập.
Nhà lãnh đạo Netanyahu từng bày tỏ, ông muốn thay đổi cách lựa chọn các thẩm phán nhưng không nhất thiết phải là những thay đổi được ghi trong một dự luật khác đang chờ kết luận cuối cùng của Knesset. Có nhiều đề xuất đang được đưa ra, bao gồm cả thay đổi đối với các vị trí cố vấn pháp lý. Các nhà lập pháp đối lập cho rằng, liên minh của Thủ tướng đang cố gắng thực hiện một cuộc đại tu từng phần, với từng luật một, sẽ hạn chế dần tính độc lập của tòa án. Ngược lại, liên minh cầm quyền lập luận, họ đang theo đuổi cải cách tư pháp một cách có trách nhiệm.
Kết quả bỏ phiếu cuối cùng của Knesset về dự luật sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống tư pháp và cơ cấu dân chủ của Israel. Tranh cãi xung quanh các cải cách được đề xuất phản ánh cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về cân bằng quyền lực và bảo vệ các quyền tự do dân sự trong nước.