Tiền đề cho những quyết sách hợp lòng dân

- Thứ Ba, 06/06/2023, 06:25 - Chia sẻ

TRÀN ĐÌNH HUỀ - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

Chọn nhóm đối tượng cử tri, phối hợp tiếp xúc theo chuyên đề không còn là hình thức mới, nhưng gần đây nhiều địa phương, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức thực hiện đem đến hiệu quả rõ rệt; đó là những chuyên đề đặc trưng cung cấp thông tin cụ thể nên cần nhóm cử tri phù hợp. Phối hợp TXCT chuyên đề theo nhóm đối tượng giúp thông tin thu nhận rất thiết thực để đại biểu dân cử xem xét, nghiên cứu, quyết định những quyết sách hợp lòng dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chọn nhóm đối tượng cử tri

Thông thường trước và sau các kỳ họp thường lệ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức cho đại biểu dân cử TXCT ở đơn vị bầu cử. Đây là công tác định kỳ thường xuyên, đại biểu dân cử về sát cơ sở, đến được những vùng khó khăn gặp gỡ, tiếp xúc những cử tri trực tiếp lựa chọn mình thông qua lá phiếu bầu cử. Những ý kiến của cử tri và nhân dân rất rộng, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng; lại có những ý kiến trùng lặp qua những lần và những nơi tiếp xúc. Nhưng đi sâu hơn vào các cuộc TXCT, có những nội dung kiến nghị, đề xuất chưa phù hợp với yêu cầu nội dung, chương trình kỳ họp, nên đại biểu có phần thất vọng, lúng túng vì thiếu thông tin cần thiết.

Cử tri huyện Quảng Trạch, Quảng Bình phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử - ẢNH P. PHƯƠNG
Cử tri huyện Quảng Trạch, Quảng Bình phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử. Ảnh: P. Phương

Các kỳ họp của cơ quan dân cử bao giờ cũng có nội dung cốt yếu, những vấn đề trọng tâm đại biểu cần tập trung xem xét, quyết định. Điều đó đòi hỏi đại biểu dân cử cần một lượng thông tin chuyên sâu của một nhóm đối tượng cử tri làm việc ở các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Vừa qua, một số nơi để nắm và hiểu rõ tình hình nhu cầu nhà ở, việc làm cho công nhân lao động; vấn đề về bảo hiểm xã hội... cơ quan dân cử phối hợp với tổ chức Công đoàn để TXCT trong lực lượng công nhân, lao động ở khu vực sản xuất kinh doanh.

Những cuộc TXCT theo nhóm đối tượng như vậy có sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND cấp tỉnh; đồng thời, thành phần cần đầy đủ các loại hình doanh nghiệp, chú ý nhiều hơn những nơi khó khăn để thu nhận được những thông tin khách quan. Còn ở cấp huyện và xã, chỉ cần phối hợp giữa Thường trực HĐND hai cấp và có chuyên đề, đối tượng thiết thực ở địa phương mình.

Phối hợp tiếp xúc theo chuyên đề

Phối hợp TXCT giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND ở nhiều địa phương đã khá thường xuyên. Nhưng phối hợp TXCT chuyên đề theo từng nhóm đối tượng để thu được nhiều thông tin chuyên sâu, lĩnh vực, ngành nghề cần thiết hơn nhiều. Khi Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND thống nhất chuyên đề cần TXCT, đồng thời nghiên cứu tìm nhóm đối tượng cử tri phù hợp với thông tin chuyên đề cần thu thập. Phối hợp TXCT sẽ nâng tầm hội nghị tiếp xúc, giúp cử tri có cơ hội bày tỏ được ý kiến, nguyện vọng của mình đối với cả Trung ương và địa phương, đồng thời được giải đáp, trả lời thỏa đáng của ĐBQH và đại biểu HĐND.

Trong phối hợp TXCT sẽ do cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND ghi chép theo từng lĩnh vực để báo cáo lên trên theo yêu cầu của từng cơ quan. Đồng thời, hội nghị cũng mời các cơ quan liên quan đến chuyên đề trực tiếp trả lời ý kiến của cử tri. Những cuộc TXCT theo chuyên đề cũng cần có đại diện Ban Thường trực Ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với cơ quan liên quan đến nhóm cử tri chủ trì hội nghị và tổng hợp thông tin từ cử tri để báo cáo lên Mặt trận cấp trên. Như thế những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được báo cáo lên cấp trên bằng 3 kênh theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, càng thể hiện rõ hiệu quả bước đầu các cuộc phối hợp TXCT theo chuyên đề.

Hiệu quả rõ rệt

Sau các cuộc tiếp xúc, báo cáo TXCT được gửi lên cấp trên theo quy định, quan trọng hơn những ý kiến, kiến nghị của cử tri có tác động tích cực đến kỳ họp. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét, cân nhắc, quyết nghị cụ thể hóa vào những chủ trương, giải pháp quan trọng của từng địa phương và đất nước; đó là mong muốn lớn nhất của cử tri. Mặt khác, những đề xuất, nguyện vọng của cử tri thuộc quá trình điều hành thực thi pháp luật, người dân mong muốn đại biểu của dân tăng cường giám sát, nhất là những vấn đề nổi cộm, xác đáng được nêu lên nhiều lần.

Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận Báo cáo Kết quả giám sát tại kỳ họp việc giải quyết, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri; cử tri và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi khi Quốc hội đưa những vấn đề bức xúc, nổi cộm được xã hội quan tâm lên nghị trường. Qua đó, ĐBQH thảo luận yêu cầu các cơ quan liên quan có những giải pháp tích cực thực hiện lời hứa với cử tri. Theo dõi kỳ họp của Quốc hội, cử tri nhiều địa phương cũng mong muốn HĐND các cấp quan tâm hơn nữa nhiệm vụ TXCT của đại biểu dân cử; chú trọng phối hợp TXCT chuyên đề theo từng nhóm cử tri, nhất là những vấn đề tồn tại kéo dài gây bức xúc nhiều trong các tầng lớp nhân dân.

Cử tri các địa phương cũng hy vọng HĐND đưa Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thảo luận tại phiên họp của Thường trực HĐND; hoặc kết hợp thảo luận tại kỳ họp HĐND và quyết nghị đưa vào nội dung nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để UBND, các ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Chọn nhóm đối tượng cử tri, phối hợp tiếp xúc theo chuyên đề không còn hình thức mới; nhưng gần đây nhiều địa phương, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức thực hiện đem đến hiệu quả rõ rệt, cần nhân rộng ở HĐND các cấp. Qua thông tin thu nhận rất thiết thực có tác dụng để đại biểu dân cử xem xét, nghiên cứu, quyết định những quyết sách hợp lòng dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.