Theo đến cùng việc thực hiện kiến nghị sau giám sát

- Thứ Ba, 16/08/2022, 05:50 - Chia sẻ

Chia sẻ về kinh nghiệm giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh: Để các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, Thường trực HĐND tỉnh  xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát, kiểm tra việc thực hiện. Những nội dung tồn đọng hoặc triển khai chưa đúng, kém hiệu quả, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp để làm rõ trách nhiệm, tiếp tục đôn đốc việc thực hiện đến khi có kết quả.

Chọn nội dung tác động đến đời sống người dân

Với phương châm giám sát theo hướng chuyên sâu, toàn diện, hiệu quả, thời gian qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chuyên đề giám sát chất lượng, thưa ông?

Theo đến cùng việc thực hiện kiến nghị sau giám sát -0
Ảnh: Thanh Bình

- Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình công tác và tình hình thực tiễn, ngay tại kỳ họp giữa năm 2021, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng chương trình giám sát năm 2022 với 2 chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 29.6.2012 và Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11.5.2018 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua dự án Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, 6 tháng đầu năm 2022, HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 29.6.2012 và Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11.5.2018 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua dự án Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 

Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh. Các Ban HĐND tỉnh giám sát chuyên đề các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách như: Ban Văn hóa - Xã hội giám sát về khai thác, phát huy giá trị một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; Ban Pháp chế giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong việc cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021; Ban Dân tộc giám sát về công tác quản lý nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Như vậy, đã có nhiều chuyên đề sát sườn với đời sống người dân được lựa chọn để giám sát. Ông nhìn nhận như thế nào về hiệu quả các đợt giám sát này?

- Các chuyên đề được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn là những nội dung quan trọng có tác động mạnh đến đời sống người dân và trong phát triển kinh tế - xã hội; thời gian triển khai giám sát dài nên có điều kiện xem xét, nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan. Nhờ đó, hầu hết các cuộc giám đều đạt kết quả tốt, các kiến nghị đều được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương ghi nhận, kịp thời giải quyết.

Đơn cử như qua giám sát chuyên đề về giáo dục, Đoàn giám sát đã ghi nhận những bước phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo của tỉnh; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp mang tính định hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới như: Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Nhân rộng mô hình giám sát chuyên đề liên kết

- Chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề phụ thuộc nhiều vào công tác chuẩn bị, xin ông cho biết công tác này được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh chú trọng như thế nào? 

- Ngay sau nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm được thông qua, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Đặc biệt, để các nội dung giám sát chuyên đề bảo đảm sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, việc xây dựng kế hoạch giám sát, xác định phạm vi, hình thành đề cương chi tiết được chú trọng. Kế hoạch giám sát phải rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, nội dung, phương thức, thời gian giám sát; tránh chồng chéo về thời gian, đơn vị, địa bàn giám sát.

Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu áp dụng và nhân rộng mô hình giám sát chuyên đề liên kết giữa các Ban của HĐND tỉnh, giữa HĐND hai cấp (tỉnh và huyện) nhằm tránh sự chồng chéo về nội dung và thời điểm khảo sát thực tế giữa các đoàn giám sát…

Hoạt động giám sát sẽ kém hiệu quả nếu các kiến nghị sau giám sát không được các cơ quan tiếp thu và nghiêm túc thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị thời gian qua?

Trên thực tế, các kết luận sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh Khánh Hòa về cơ bản đã được UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực và có trách nhiệm. Tuy nhiên, có lúc, có nơi còn hình thức. Một số kiến nghị chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng bức xúc, đơn thư kéo dài.

Khắc phục tình trạng này, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn giám sát. Những vấn đề tồn đọng hoặc các kiến nghị được triển khai chưa đúng, kém hiệu quả, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tái giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh để làm rõ trách nhiệm, tiếp tục đôn đốc việc thực hiện đến khi có kết quả, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân vào hệ thống chính trị cũng như hoạt động của cơ quan dân cử.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Mai - Thanh Bình thực hiện