Thanh Hóa gỡ khó quản lý đất công, tài sản công sau sáp nhập

- Thứ Tư, 03/01/2024, 07:10 - Chia sẻ

Kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công, gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa mới đây cho thấy, nhiều công trình bị dôi dư, bỏ hoang trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên, tài sản của Nhà nước của nhiều địa phương...

Chủ động phương án đưa vào sử dụng một số cơ sở nhà, đất 

Theo đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019 - 2023, tổng số cơ sở nhà đất trên địa bàn toàn tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp là 11.651 cơ sở. Sau khi phương án sắp xếp xử lý nhà, đất được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị đã rà soát tiếp nhu cầu sử dụng, tiêu chuẩn định mức; thực hiện đo vẽ, trích đo lại diện tích đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định của Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan để thực hiện.

Hiện, 27/27 huyện, thị, thành phố đã được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án theo quy định. Trong đó, đưa ra khỏi phương án đối với các cơ sở nhà, đất của đơn vị không thuộc cấp huyện quản lý và cơ sở nhà, đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại. Thống kê của Sở Tài chính cũng cho thấy, đến ngày 31.10.2023, tổng cơ sở nhà, đất đang đề nghị sắp xếp lại tại 27 huyện, thị, thành phố là 995 cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các huyện, thị, thành phố. Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các đơn vị đã và đang trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án cụ thể xử lý từng tài sản nhà, đất. Một số cơ sở nhà, đất đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án cụ thể, đã và đang triển khai thực hiện.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Quang Hùng và các thành viên trong đoàn giám sát thực tế tại công sở xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Quang Hùng và các thành viên trong đoàn giám sát thực tế tại công sở xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn

Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương đã chủ động phương án đưa vào sử dụng một số cơ sở nhà, đất phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều trụ sở, nhà văn hóa các xã dôi dư đã tạm trưng dụng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị làm khu cách ly, điều trị Covid - 19 trong thời gian dịch diễn biến phức tạp. Một số cơ sở nhà, đất đã tạm thời bàn giao cho đơn vị mới quản lý, sử dụng. Nhiều công sở, nhà văn hóa đã được sử dụng làm nơi làm việc của công an xã, ban chỉ huy quân sự xã, nhà trực dân quân, khu phòng chống lụt bão, làm trụ sở của đơn vị sự nghiệp.

Nhiều nhà văn hóa thôn, bản, khu phố dôi dư sau sáp nhập thôn được giữ lại tiếp tục sử dụng phục vụ sinh hoạt cụm dân cư, sinh hoạt của các câu lạc bộ; nhiều sân vận động cấp xã được giữ lại tiếp tục sử dụng để phục vụ hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ của người dân địa phương. Một số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý cụ thể đã được các địa phương bảo vệ, bảo quản để chống xuống cấp.

Không để thất thoát, lãng phí tài sản công

Bên cạnh nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những bất cập: các quy định của Luật Quản lý sử dụng, tài sản công, Luật Đất đai, các nghị định, thông tư liên quan còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng hoặc chưa quy định nên ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công; nhiều trường hợp cơ sở nhà, đất dôi dư không có hồ sơ pháp lý về nhà, đất; trình tự, thủ tục thực hiện để xử lý tài sản là nhà, đất sau sáp nhập, sắp xếp phức tạp, gồm nhiều bước lại thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, lúng túng; một số địa phương thiếu chủ động cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp, xử lý đất công, tài sản công sau sáp nhập.

Từ thực tế trên, để bảo đảm tuân thủ pháp luật trong quản lý đất công, gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung nghị quyết phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do các huyện, thị, thành phố quản lý. Trong thời gian chưa xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư, phải bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm, thất thoát, xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Mỹ Hạnh
#