Dấu ấn từ một quyết sách

- Thứ Bảy, 25/11/2023, 07:27 - Chia sẻ

Nhữ Văn Quảng - Nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Điện Biên

Bây giờ, việc đi làm ăn xa của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên không còn là chuyện lạ nữa. Người lao động đã tự đi tìm việc làm, có thu nhập là họ gắn bó với doanh nghiệp. Hiệu quả nhìn thấy là rừng ít bị phá, đất nương góp với doanh nghiệp để trồng cấy công nghiệp như cà phê, mắc ca. Đây thực sự là con đường xóa đói, giảm nghèo bền vững ở mảnh đất phía Tây của Tổ Quốc.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV - ẢNH LAN PHƯƠNG
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV. Ảnh: Lan Phương

Những kết quả đáng mừng này đến từ hiệu quả thiết thực từ một chính sách tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Đó chính là Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Điện Biên quy định chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh.

Bài toán khó cần lời giải thỏa đáng

Trước thực trạng công tác xuất khẩu lao động tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do tâm lý của đồng bào các dân tộc không muốn xa gia đình, bản làng, người thân, quanh năm chỉ ở nhà làm nương. Đây cũng là một nguyên nhân khiến rừng luôn bị tàn phá, khai thác lâm thổ sản trái phép, lấy đất làm nương. Trong khi đó, thị trường lao động trong tỉnh còn hạn hẹp, hàng năm số người đến độ tuổi lao động không có việc làm tăng, số sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học ra trường không tìm được việc làm còn lớn, đa số phải đi làm những việc trái nghề. Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên chưa được lan rộng, học để khởi nghiệp vẫn còn xa vời…

Làm thế nào để mỗi năm tạo việc làm mới cho 7.500 đến 8.000 lao động theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra là một bài toán khó cần lời giải thỏa đáng. Không tạo được việc làm cho người lao động đồng nghĩa với tăng tỷ lệ hộ đói nghèo, tăng tệ nạn xã hội và các vấn đề xã hội nảy sinh khác.

Một hướng đi mới, lâu dài và bền vững là "xuất khẩu lao động nội địa". Nghĩa là đưa người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh có nhu cầu lao động lớn như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.... Cả hệ thống chính trị vào cuộc, vì sinh kế cho người lao động. UBND tỉnh mạnh dạn đề xuất với HĐND một phương án là ngân sách chi cho việc đưa, đón người lao động đi sơ tuyển, làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh, nhằm khuyến khích, động viên họ đi lao động xa nhà.

Có việc làm, thu nhập - kênh tuyên truyền hiệu quả nhất

Bắt đầu từ tuyên truyền, vận động người lao động có nhận thức về việc làm và thu nhập. Tiếp đó, ngành Lao động thương binh và xã hội, đơn vị chủ trì liên hệ với các doanh nghiệp, khu công nghiệp của các tỉnh tìm thị trường lao động, làm đầu mối tổ chức sơ tuyển, đưa lao động đi làm việc. Ngay trong năm 2017, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã đưa được hơn 500 lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp các tỉnh; năm 2018 đã là 1109 lao động, tăng hơn 500 lao động so với năm 2017; năm 2019 là 1207 lao động; năm 2020 mặc dù bị giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid nhưng vẫn có 1932 lao động đi làm việc ở các tỉnh, tăng hơn 700 người so với năm 2019.

Ngay những ngày đầu năm 2019, Trường Cao đẳng than và Khoáng sản Quảng Ninh đã lên huyện Mường Nhé, Nậm Pồ - huyện biên giới đặc biệt khó khăn, cam kết đào tạo, hợp đồng lao động sau đào tạo cho con em hai huyện này. Hiện, các Công ty than thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đang rất cần nhiều lao động. Đây là cơ hội lớn cho hai huyện trong việc mở ra thị trường lao động khai thác khoáng sản với mức thu nhập cao. Ngành Lao động Thương binh và xã hội đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp phối hợp quản lý, đưa đón, chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi khác cho người lao động.

Có việc làm, thu nhập sẽ là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất trong công tác tìm việc làm cho lao động nông thôn. Một số lao động sau một thời gian ổn định đã đưa vợ con, anh em họ hàng đi làm cùng. Việc đi làm xa khỏi bản làng không còn là rào cản lớn nhất đối với họ. Vấn đề là thu nhập và các chính sách phúc lợi khác của doanh nghiệp dành cho họ. Họ sẽ bắt nhịp dần với lao động dây truyền, tác phong công nghiệp, sẽ thay đổi tư duy, kỷ luật lao động trong thời đại công nghiệp 4.0. Họ sẽ phải học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Mở ra nhiều triển vọng cho lao động nông thôn

Một chính sách đúng đã mở ra nhiều triển vọng cho lao động nông thôn. Và không xa, khi việc làm và thu nhập gắn chặt với cuộc sống của họ, người lao động sẽ ý thức về việc học đại học hay học nghề để khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình hay ở một miền quê nào khác. Lúc ấy, chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh của HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV làm tròn nhiệm vụ của mình.

Đúng như vậy, bây giờ việc đi làm ăn xa của con em đồng bào dân tộc thiểu số không còn là chuyện lạ nữa. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Điện Biên có từ 3.500 - 4.500 lao động tự đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế suất ở các tỉnh dưới xuôi, nếu cộng lại từ năm 2017 đến nay đã có khoảng 25.000 đến 30.000 lao động đi làm tại các doanh nghiệp. Người lao động đã tự đi tìm việc làm, có thu nhập là họ gắn bó với doanh nghiệp. Hiệu quả nhìn thấy là rừng ít bị phá, đất nương góp với doanh nghiệp để trồng cấy công nghiệp như cà phê, mắc ca. Đây thực sự là con đường xóa đói, giảm nghèo bền vững ở mảnh đất phía Tây của Tổ Quốc.

#