Đánh giá kỹ tác động từng quy định đến đời sống

- Thứ Tư, 08/03/2023, 06:56 - Chia sẻ

Quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; căn cứ thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; nguyên tắc xác định giá đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; quy định rõ tái định cư như thế nào là tốt hơn nơi ở cũ… là những nội dung nhận được sự quan tâm, tham góp của đại biểu tại các hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây.

Bảo đảm tiếp cận bình đẳng, phát huy nguồn lực từ đất

Tại các hội nghị, nhiều ý kiến có chung nhận định, sau gần 10 năm triển khai, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Ngay tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng vẫn còn nhiều nội dung cần làm rõ, không chỉ liên quan đến Luật Đất đai mà còn liên quan đến các luật khác. Theo đó, yêu cầu đánh giá tác động của từng điều luật đến đời sống; cụ thể hóa một số điều luật, quy định phù hợp với thực tiễn hết sức cần thiết.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức  - ảnh: Nguyễn Thanh
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thanh

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình cấp đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang rất cần được giải quyết kịp thời để hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tiếp theo là việc sửa đổi, bổ sung các quy định cần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phải tạo điều kiện để có thể tiếp cận bình đẳng, minh bạch và phát huy tối đa nguồn lực đất đai.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý từ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, các đại biểu đã phân tích, đề nghị làm rõ nhiều nội dung trọng tâm của dự án Luật sửa đổi lần này. Trong đó, nổi lên là yêu cầu bảo đảm tính thống nhất về khung giá đất; giá thuê đối với doanh nghiệp thuê đất dài hạn; có những quy định về khung giá riêng đối với các hạng mục đất thuộc dự án du lịch như: hạ tầng, khuôn viên cảnh quan... Mặt khác, phải quản lý chặt tình trạng vi phạm về đấu thầu đất, sử dụng đất; quy định cụ thể trách nhiệm thu hồi đất; làm rõ cơ chế, quy định cụ thể, phù hợp với giá thị trường đối với giá đất thu hồi…

Bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi

Ghi nhận tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đại biểu là Chủ tịch Hội Nông dân, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện thị, thành phố; doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh cho thấy, nội dung về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được đặc biệt quan tâm. Một số ý kiến cũng đề nghị, cần điều chỉnh đơn giá đối với loại đất vườn tạp cùng thửa với đất ở phải thu hồi; quy định rõ tái định cư như thế nào là tốt hơn nơi ở cũ; phân cấp cho cấp huyện thẩm định các dự án nông nghiệp nhỏ…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hạ Long Nguyễn Xuân Hải, tại điểm h, khoản 1, Điều 80 thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai có quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai gồm: đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng. Ông Hải cho rằng, thời hạn 36 tháng quá lâu, đề nghị thực hiện như Luật Đất đai 2013 (đất trồng lúa không sử dụng 12 tháng, đất cây lâu năm không sử dụng 18 tháng, đất rừng không sử dụng 24 tháng). Có như vậy mới tạo được động lực của người dân sử dụng đất, phát huy hiệu quả đất đai.

Cũng tại điểm i, khoản 1, Điều 80 thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai có ghi: trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Ông Hải đề nghị sửa lại thành: "Trường hợp chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng". Theo đó, để 48 tháng mới thu hồi là quá lâu và không tạo được động lực cho chủ đầu tư quyết tâm thực hiện dự án.

Trong khi đó, theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà), tại khoản 2, Điều 89, Chương VI của dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đại biểu đề nghị, làm rõ thế nào là bằng và tốt hơn nơi ở cũ? Cụ thể về điều kiện giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điều kiện thuận lợi... đối với người dân. Đối với các hộ nằm trong diện phải thu hồi đất giải phóng mặt bằng mà có nhiều ô đất ở, hộ có diện tích đất ở thu hồi lớn (300 - 400m2/thửa), thì khi đến nơi ở mới cũng phải được cấp ô đất có diện tích tương đương với diện tích đất ở đã thu hồi.

Chủ trì các hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng để tổng hợp báo cáo Quốc hội, góp phần hoàn thiện dự thảo để sau khi ban hành, Luật Đất đai (sửa đổi) đáp được ứng yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

TUẤN NGUYÊN