Sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025

Cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn

- Thứ Tư, 03/01/2024, 07:12 - Chia sẻ

Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 là một chính sách lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, sau gần ba năm triển khai thực hiện, đến cuối năm 2023, tổng số hộ được sắp xếp di dời chỗ ở là 2.045 hộ, chỉ bằng 26,60% so với chỉ tiêu. Điều này đặt ra yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương.

Mới đạt 26,60% chỉ tiêu nghị quyết

Công tác hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư miền núi là chủ trương lớn của tỉnh, mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn có chỗ ở ổn định lâu dài, bảo đảm an toàn đối với tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão; quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước...) phục vụ Nhân dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN - PTNT) tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND ngày 22.7.2021 HĐND tỉnh Quảng Nam (Nghị quyết 23) về cơ chế sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, sau gần ba năm triển khai thực hiện, dự kiến đến cuối năm 2023, tổng số hộ được sắp xếp di dời chỗ ở là 2.045 hộ, chỉ bằng 26,60% so với chỉ tiêu Nghị quyết 23 đề ra. Ngoại trừ huyện Tây Giang có tỉ lệ thực hiện khá cao so với kế hoạch (86,33%), hầu hết các huyện còn lại tỉ lệ đều dưới 30%, thấp nhất là huyện Phước Sơn (12,15%). Việc giải ngân nguồn vốn đã phân bổ cũng chưa hoàn thành (dự kiến đến cuối năm 2023, giải ngân được 172.745 triệu đồng, đạt tỉ lệ 92,23%).

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân khách quan do điều kiện địa hình miền núi phức tạp, độ dốc lớn, nhất là 6 huyện miền núi cao nên không có nhiều mặt bằng thuận lợi để bố trí dân cư. Giá cả vật tư, nhân công trên địa bàn miền núi tăng cao, trong khi các đối tượng sắp xếp dân cư hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên khả năng đối ứng thực hiện chương trình rất hạn chế…

Khu dân cư Tak Răng, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ảnh PHÚ THIỆN
Khu dân cư Tak Răng, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ảnh: Phú Thiện

Cùng với đó, sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương chưa thật sự quyết liệt, trách nhiệm. Theo đó, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên chưa phát huy tính chủ động, vai trò chủ thể của người dân trong tự thực hiện các nội dung hỗ trợ; việc vận động người dân chia sẻ đất ở cho hộ di dời còn hạn chế, chủ yếu là trong gia đình, dòng tộc. Một số địa phương chưa chú trọng cân đối quỹ đất để bố trí đất ở cho hộ theo quy hoạch sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt. Việc đánh giá mức độ an toàn của các điểm tái định cư khi rà soát quy hoạch dân cư chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm, chưa có cơ sở khoa học, dẫn đến một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão, nhất là huyện miền núi cao. Hỗ trợ đất sản xuất cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư đạt thấp, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết 23 của một số sở, ngành còn chưa kịp thời, có nội dung đến nay chưa có hướng dẫn.

Tăng cường trách nhiệm trong cân đối quỹ đất

Cũng theo báo cáo của Sở NN - PTNT, số hộ dự kiến sắp xếp di dời chỗ ở trong 2 năm 2024, 2025 còn khá cao, khoảng 2.611 hộ. Rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện vừa qua, trong những năm còn lại, để hoàn thành chỉ tiêu này cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nâng cao khả năng tự chủ của người dân miền núi trong tổ chức sản xuất và đời sống. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác sắp xếp, ổn định dân cư các cấp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện.  

Bên cạnh đó, cần rà soát nội dung bố trí dân cư bảo đảm phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán của người dân từng địa phương. Tăng cường trách nhiệm của UBND các huyện trong việc cân đối quỹ đất trên địa bàn để bố trí đất ở cho các hộ tham gia sắp xếp dân cư theo hạn mức quy định, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và lồng ghép hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; tiếp tục đánh giá, phân tích để đề nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách chưa phù hợp.

Nhật Hòa
#