Cần giải pháp căn cơ “kích cầu” người dân tham gia bảo hiểm xã hội

- Chủ Nhật, 08/10/2023, 06:10 - Chia sẻ

Tại Hội nghị TXCT theo chuyên đề về “tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội" vừa được Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tổ chức, cử tri nhiều địa phương kiến nghị, cần sớm có các giải pháp cải cách để chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với thực tiễn; nhất là ngăn chặn “làn sóng” rút BHXH một lần, tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Ngăn chặn làn sóng “rút” bảo hiểm một lần

Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đều đồng tình với quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời, đây là việc làm cấp bách nhằm thể chế hóa quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn dân.

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, cần ngăn chặn từ sớm từ xa “làn sóng” rút bảo hiểm một lần đang diễn ra ở một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cử tri các xã Hồng Thái, Việt Tiến (huyện Việt Yên) nêu ý kiến: hiện nay tình trạng người lao động trong các khu, cụm công nghiệp mất việc làm, dẫn đến làn sóng rút BHXH một lần. Cử tri cho rằng, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân, người lao động để họ hiểu rằng, rút BHXH một lần thì người lao động sẽ thiệt thòi hơn là tích luỹ thời gian đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu. Việc tự mình “tước bỏ” đi cơ hội được nhận lương hưu khi về già, cũng đồng nghĩa khiến người dân không được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp...

Đồng tình với cử tri huyện Việt Yên, cử tri huyện Lạng Giang cho rằng, khi người lao động rút BHXH một lần thì mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân sẽ không đạt được, số người già không có lương hưu sẽ gia tăng, cùng với sức ép của quá trình già hóa dân số sẽ gây áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước phải tăng chi để bảo đảm an sinh xã hội... Do đó, cần thêm nhiều hơn chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân, người lao động. Tạo sinh kế giải quyết việc làm bền vững hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất; hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Đối với vấn đề giải quyết chế độ 1 lần chỉ thanh toán 50% số thời gian đóng, 50% còn lại để người lao động tham gia tiếp nhằm giải quyết chế độ hưu trí… Điều này vừa giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn bảo đảm an sinh khi về hưu.  

Tăng cường quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện

Cùng với BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên, so với dư địa và mục tiêu phấn đấu mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện vẫn rất khiêm tốn. Làm thế nào để tăng tính hấp dẫn cho hình thức bảo hiểm này là một trong những nội dung được cử tri đề cập nhiều tại các điểm tiếp xúc. Cử tri các xã Tân Liễu, Trí Yên, Tư Mại (huyện Yên Dũng) cho biết, với mức đóng phí BHXH tự nguyện hiện nay theo quy định bằng 22% mức chuẩn nghèo khá cao so với người lao động thu nhập thấp, công việc không ổn định. Do vậy, việc hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho nhóm lao động này rất cần thiết.

Cũng liên quan đến nội dung này, nhiều cử tri cho rằng, mức đóng và hưởng BHXH hiện nay chưa hợp lý. Đơn cử, đối với nam và nữ có thời gian đóng BHXH 20 năm nhưng mức hưởng lương hưu của nữ là 55%, nam chỉ là 45%. Điều này ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở cơ sở và khó thực hiện mục tiêu bảo hiểm hưu trí toàn dân. Về thời gian tham gia BHXH nên điều chỉnh giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Riêng đối với người tham gia BHXH tự nguyện nên giữ nguyên độ tuổi (nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi, không tăng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình).

Cử tri cho rằng, nên đa dạng hóa thiết kế nhiều gói chính sách về BHXH tự nguyện để làm sao cho từng người, từng đối tượng căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, họ sẽ lựa chọn các gói BHXH linh hoạt để tham gia. Tăng quyền lợi của người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; có quy định chi tiết về độ tuổi nghỉ hưu phù hợp đối với từng ngành, lĩnh vực. Nâng mức hỗ trợ tử tuất, tai nạn rủi ro khi người dân tham gia BHXH tự nguyện; có chế độ thai sản và BHYT cho đối tượng là công nhân tạm thời nghỉ việc ở các doanh nghiệp, nhân viên lao động hợp đồng tại các đơn vị công lập, đặc biệt là lao động nữ…

Nhiều cử tri cũng kiến nghị cần có biện pháp quản lý nợ và giải pháp xử lý, thu hồi nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp triệt để hơn, có tính răn đe và hiệu lực thực hiện cao hơn nhằm góp phần giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH. Đồng thời, có biện pháp mạnh hơn đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không thực hiện các quyết định kiểm tra, xử phạt, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động…

Khép lại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, tổng hợp đầy đủ, chính xác để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV tới để góp tiếng nói cùng Quốc hội xem xét, điều chỉnh, sửa đổi chế độ chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH.

Bách Hợp