Chưa phát huy hiệu quả chính sách
Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế; có văn hóa, sản vật và tài nguyên thiên nhiên độc đáo, khác biệt để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững.
Qua giám sát, chất vấn, HĐND tỉnh đánh giá tích cực những chuyển biến trong công tác lãnh đạo, điều hành và kết quả đạt được trong phát triển du lịch. Theo đó, thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách tăng hằng năm; sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên du lịch của từng địa phương. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Du lịch cơ bản đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển làng nghề. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành; tham mưu các cấp, các ngành nhằm chuyển hóa các giá trị tài nguyên du lịch trở thành động lực phát triển, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Nổi lên trên các lĩnh vực: công tác triển khai Luật Du lịch chưa đầy đủ, chính sách khuyến khích hỗ trợ các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch có tham mưu nhưng công tác truyền thông chính sách, sơ kết, tổng kết để tham mưu ban hành chính sách phù hợp chưa hiệu quả. Việc đưa chủ trương, chính sách phát triển du lịch đã được HĐND tỉnh ban hành, nhất là Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025 còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận truyền thông chính sách chưa tốt, chưa phát huy hiệu quả chính sách ban hành. Sự phối hợp các cấp, ngành tham gia phát triển sản phẩm du lịch và phát triển chuỗi giá trị du lịch chưa hiệu quả. Chưa có sự liên kết vùng trong phát triển du lịch để tạo sản phẩm du lịch có giá trị, mang tính cạnh tranh cao ở cấp độ quốc gia và có sức hấp dẫn để thu hút du khách. Việc chuyển hóa giá trị tài nguyên du lịch trở thành động lực phát triển du lịch chưa hiệu quả, chưa có chiều sâu.
Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch và du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế, thiếu sản phẩm, phát triển tự phát, thiếu bản sắc. Việc phát triển, nâng cấp công nhận hạng các cơ sở lưu trú chưa được quan tâm tham mưu triển khai thực hiện; công tác tham mưu phối hợp các ngành để thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch chưa hiệu quả để đôn đốc, kiểm tra, giám sát trách nhiệm thực hiện; công tác phát triển dịch vụ du lịch lữ hành, đào tạo phát triển đội ngũ hướng dẫn viên và nguồn nhân lực cho du lịch có chuyển biến nhưng chưa hiệu quả…
Xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch liên vùng
Từ thực tế trên, HĐND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch, khắc phục toàn diện những tồn tại qua giám sát và chất vấn của đại biểu HĐND tạo bước chuyển biến tích cực, hiệu quả, đưa du lịch Ninh Thuận có những bước phát triển mới. Trong đó, tập trung triển khai toàn diện, có chiều sâu nhiệm vụ phát triển du lịch theo yêu cầu của Luật Du lịch. Tăng cường truyền thông chính sách, tập trung đánh giá hiệu quả các chính sách phát triển du lịch đã ban hành để kịp thời tham mưu điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, đưa chính sách đi vào cuộc sống. Xây dựng cơ chế phối hợp, xác định nhiệm vụ các cấp, ngành trong phát triển sản phẩm du lịch và chuỗi giá trị du lịch, đầu tư và thu hút đầu tư hạ tầng du lịch. Có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện. Chú trọng xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch liên vùng để tham gia vào thương hiệu du lịch quốc gia, trong mối liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Cùng với đó, cần có kế hoạch, đề án chiến lược chuyển hóa các giá trị tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm du lịch; khu du lịch, điểm du lịch mang tính khác biệt, cạnh tranh. Có giải pháp quyết liệt, hiệu quả, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy truyền thông, quảng bá sản phẩm, phục vụ nhu cầu khách du lịch. Báo cáo kết quả khắc phục để HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện kết luận giám sát và nghị quyết chất vấn của HĐND.