Chuyển giao kiến thức về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội

- Thứ Ba, 20/04/2021, 05:54 - Chia sẻ

Ngày 19.4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Chương trình đào tạo chuyển giao kiến thức về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030" do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thông qua KOICA.
Bà Phạm Hồng My, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, chủ trì thực hiện dự án. Chương trình đào tạo này là một trong những hoạt động quan trọng của dự án nhằm thực hiện mục tiêu chính là hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội. 
"Dự án còn hướng tới việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, cải thiện điều kiện sống của người có thu nhập thấp và trung bình, giúp thị trường nhà ở Việt Nam phát triển, lành mạnh" - bà Phạm Hồng My nhấn mạnh.
Theo đó, dự án gồm 5 phần: Nghiên cứu các chính sách của Việt Nam; khảo sát, khảo sát các yêu cầu từ các đối tượng của nhà ở xã hội; đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ quản lý; xây dựng chiến lược phát triển tại quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; đề xuất nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014. 
Thông qua triển khai 5 phần, dự án sẽ đưa ra các đề xuất tổng thể nhằm mục đích cải thiện chính sách trong giai đoạn 2021 - 2030. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà cho thuê; nâng cao năng lực chuyên môn cho bộ quản lý, chuyên viên của cơ quan có liên quan về định hướng chính sách trong giai đoạn tiếp theo.  
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm phong phú từ các dự án phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới, giúp nhân rộng các kiến thức, kinh nghiệm tốt từ những điểm khác nhau mà chương trình đã thực hiện và ứng dụng thành công để có thể vận dụng vào thực tế tại Việt Nam. Qua đó, đưa ra các phân tích, đánh giá, đề xuất giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép các cách tiếp cận phát triển nhà ở xã hội tiên tiến trên thế giới vào phát triển chương trình nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Thu Hằng