Tham dự tọa đàm có đại diện của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế thuộc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện Chiến lược kinh tế số, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và đại diện một số doanh nghiệp cung cấp công nghệ chuyển đổi số.
Phát biểu đề dẫn, Viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế số, TS. Trần Văn cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở các nước, trong đó có Hàn Quốc đạt được sự phát triển vượt bậc trên cơ sở không ngừng hoàn chỉnh và thường xuyên cập nhật hệ thống pháp luật về chuyển đổi số nhờ ý chí chính trị của Nhà nước khi nhìn thấy lợi ích đem lại cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Hàn Quốc, Luật hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính mà cốt lõi là các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với phương châm “cấp phép trước, điều chỉnh sau” với thời hạn thử nghiệm 2 năm và chỉ gia hạn một lần 2 năm. Nhà nước cũng hình thành cơ chế chia sẻ dữ liệu Open Banking (Open API) năm 2019 và công bố nền tảng dữ liệu dùng chung MyData năm 2022 trên cơ sở sửa đổi Luật Thông tin tín dụng (sửa đổi năm 2020), Luật Xử lý khiếu nại dân sự (sửa đổi năm 2020), Luật Chính phủ điện tử (sửa đổi năm 2021), Luật Khuyến khích công nghiệp dữ liệu và kích hoạt sử dụng dữ liệu (sửa đổi năm 2021) và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (2021).
Hiện nay, chiến lược chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Hàn Quốc tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền tảng dịch vụ tài chính và mở rộng mạng lưới các điểm dịch vụ kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống, với các fintech lab và hệ thống start-up fintech của mình, đang tăng cường khả năng cạnh tranh với các fintech, big tech qua phát triển các siêu ứng dụng trên nền điện thoại di động thông minh giống như các ngân hàng internet-only, với nhiều tính năng, dịch vụ tài chính, thậm chí là phi tài chính được tích hợp, tối đa hóa tiện lợi, thân thiện với mọi đối tượng khách hàng, đáp ứng ngày càng rộng các nhu cầu của đời sống sinh hoạt của người dân.
Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia đều nhận định rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với ngành tài chính, ngân hàng. Tại Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng... Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.Tuy nhiên, với tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam tăng nhanh chóng, Việt Nam đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu để hoàn thiện.
TS. Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số cho biết, hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có 3 xu hướng chính: Các ngân hàng truyền thống áp dụng công nghệ cải tiến quy trình; các fintech tham gia cung cấp dịch vụ; ngân hàng số hoàn toàn.
Hoạt động số hoá mạnh nhất là xu hướng các ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để số hoá hoạt động của mình. Các fintech có 2 nhóm chính là cung cấp giải pháp kỹ thuật số cải thiện hoạt động thanh toán, tín dụng hoặc đứng sau các định chế tài chính. Ngân hàng số ở Việt Nam chưa có, và ngân hàng nhà nước chưa có định hướng cấp phép cho ngân hàng số đúng nghĩa.
TS. Dương Quốc Anh cũng đưa ra 3 khuyến nghị gồm: Định hướng với Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đặc thù cho ngân hàng số; Có luật bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng mạng tới những vùng có điều kiện khó khăn như vùng sâu, vùng xa của đất nước để tăng cường phân phối sản phẩm dịch vụ giữa các vùng miền; khuyến khích các ngân hàng tăng cường sự hiện diện tại các vùng này, đồng thời có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ để phát triển mạng lưới ngân hàng cũng như các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số tại đây.
Cần có chính sách khuyến khích các trường đại học tham gia vào các chiến lược xây dựng nhân lực để có chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển số của xã hội; hỗ trợ khuyến khích các trường đang đào tạo về ngành ngân hàng truyền thống bổ sung và cập nhật chương trình về ngân hàng số để cung cấp nguồn lao động cần thiết cho nhu cầu hiện nay.
Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số về cơ sở dữ liệu, vấn đề an ninh thông tin và rủi ro giao dịch, ngân hàng nhà nước cần liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; nhanh chóng tích hợp các thông tin tài chính và thông tin cá nhân của công dân, hệ thống hóa các cơ chế sàng lọc rủi ro, xây dựng cơ chế sàng lọc rủi ro chuyên biệt cho ngân hàng số.
Kết luận tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Việt Nam đã có “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” từ năm 2020 với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Vấn đề là cần sớm hình thành cơ sở pháp lý hoàn chỉnh không chỉ trong lĩnh vực tài chính số mà cho chuyển đổi số ngành ngân hàng.
“Thế giới đang đi rất nhanh. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là vấn đề sống còn, nếu không chuyển đổi chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Phải đảm bảo an toàn hệ thống. Cách thực hiện phải linh hoạt nhưng đảm bảo hiệu quả, thuận tiện cho người tiêu dùng và cho cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát. Kinh nghiệm đi trước của Hàn Quốc rất đáng suy ngẫm, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà cả đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách chuyển đổi số quốc gia, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.