Diễn đàn có 2 phiên thảo luận chính với các chủ đề: Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và Khai thác thương mại, kinh doanh quảng cáo trên các nền tảng số.
Tại Diễn đàn, Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Trần Đức Thành chia sẻ, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu, rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, thì đổi mới, sáng tạo các nội dung truyền thông số, triển khai các nội dung ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi đơn vị , các nhân và doanh nghiệp. Trong thời gian qua, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về hạ tầng kỹ thuật số, sản xuất và kinh doanh trên môi trường số.
“Sự tham gia đầy nỗ lực của các đơn vị báo chí, truyền thông; các đơn vị sản xuất và sáng tạo nội dung; các đơn vị phân phối nội dung và các nhà quảng cáo cũng là điều kiện cần thiết giúp hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn và hiệu quả cao hơn.”, Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Trần Đức Thành nhận định.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Vũ Kiêm Văn chia sẻ, VDCA và VTC mong muốn thông qua diễn đàn để có các hành động thiết thực thúc đẩy việc xây dựng môi trường nội dung số phát triển lành mạnh đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hòa nhập vào dòng chảy của toàn cầu.
Nói về những khó khăn trong hoạt động bảo vệ bản quyền sáng tạo nội dung số, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số, Tổng Giám đốc Sconnect Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do những quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ còn những chỗ chưa rõ ràng, cùng với đó là sự nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của người dân còn chưa cao… Chính những yếu tố này đã khiến chúng tôi lúng túng trong hoạt động sáng tạo nội dung số. Muốn phát triển bền vững thì chúng ta phải hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này.
Giám đốc Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình VTC (VTC Now) Nguyễn Lê Tân cho rằng, chuyển đổi số không phải là một mớ lý thuyết dịch “word by word” từ trong sách, rồi mang đi rao giảng. Chuyển đổi số cũng không phải những mô hình sao chép theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Chuyển đổi số càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ rồi nói rằng là chúng tôi đã thành công…
Đánh giá về những khó khăn, thách thức về bản quyền với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi tham gia hoạt động sản xuất và phân phối nội dung số, với sự bùng nổ của internet và các trang mạng xã hội… đã làm thay đổi thói quen của người dùng. Tuy nhiên, để có thể thành công trong việc sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số đòi hỏi phải có những lộ trình, hướng đi đúng đắn, nguồn lực dồi dào…
Khó lớn nhất của các doanh nghiệp quảng cáo số đang gặp phải là vấn đề pháp lý. Không ít doanh nghiệp đang loay hoay tìm hướng đi trong khai thác nội dung số trong quảng cáo số. Giám đốc MGID Việt Nam Nguyễn Thị Quỳnh Trang chia sẻ, để có được nội dung quảng cáo số phù hợp, chúng tôi phải tìm cách đáp ứng những quy định về luật pháp về nội dung quảng cáo số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải có cần am hiểu về văn hoá, thói quen của người dùng...
Các chuyên gia tại Diễn đàn cũng đưa ra các giải pháp giúp các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo nội dung số bắt kịp xu hướng sáng tạo số hiện nay. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất nội dung cần thay đổi tư duy nhằm tạo ra những nội dung số đa dạng, tin tức giá trị có tính giáo dục và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, phù hợp với thiết bị số, không gian số. Từ đó có thể biến sáng tạo nội dung số thành mảnh đất đầy tiềm năng…
Dịp này, Hội Truyền thông số Việt Nam ra mắt Trục Bản quyền số quốc gia, nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số.