Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí

- Chủ Nhật, 22/10/2023, 11:15 - Chia sẻ

Thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được Việt Nam sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí; dây cáp điện; linh kiện nhựa; cao su kỹ thuật...

Nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân kim ngạch giảm sút là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong đó có doanh nghiệp cơ khí - ngành công nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí mà đại diện là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, năm 2022 có kim ngạch 45,72 tỷ USD và nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng có kim ngạch 12,06 tỷ USD. Giá trị kim ngạch hai nhóm hàng cơ khí xuất khẩu này là 57,78 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhiều doanh nghiệp cơ khí ngày càng mở rộng được thị trường xuất khẩu của mình. Điển hình như Thaco đã xuất khẩu ô tô, xe máy và các linh kiện như khung ghế xe đua, nhíp, két dàn nóng, thùng xe, bồn xe chuyên dụng, cần cẩu xe tải, thân vỏ, áo ghế, cốp xe, khung chassis xe bán tải, thùng giữ nhiệt, bồn nhựa, ống nhựa thủy canh… đến các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Israel. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn đạt gần 190 triệu USD và kế hoạch năm 2023 là hơn 375 triệu USD.

Minh Đức