Chung tay thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:30 - Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Y tế, để thực hiện được những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, sự chung tay vào cuộc của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện những giải pháp cụ thể, đồng bộ, giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia GS.TS. Lê Danh Tuyên cho biết, kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 vừa được công bố mới đây đã cho thấy, sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng như tăng trưởng chiều cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi… Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6%, được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (mức dưới 20%). Như vậy, đến nay, Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đến năm 2025). Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi; ở vùng nông thôn và miền núi, tỷ lệ này còn ở mức cao.

Cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc Việt
Nguồn: ITN

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai, tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6 - 59 tháng giảm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, bà mẹ. Tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đã có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 19,6% (năm 2010) lên 45,4% (năm 2020); trong đó, ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 55,7%, nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7%. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân hiểu và thực hành đúng về an toàn thực phẩm có sự thay đổi rõ rệt khi 35,8% số người trả lời có kiến thức tốt; 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém. Đặc biệt, chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010 là 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010 là 154,8cm).

Theo cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Đáng nói, mức tiêu thụ thịt cũng tăng nhanh, từ 84gram/người/ngày (mức tiêu thụ bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) lên 136gram/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155gram/người/ngày (năm 2020).

Cần sự cam kết phối hợp đa ngành

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, cuộc tổng điều tra toàn quốc lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và đưa ra các bằng chứng khoa học, nhằm phục vụ cho việc soạn thảo Chiến lược quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. 

Kết quả chính của Tổng điều tra dinh dưỡng Quốc gia vừa được công bố đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về dinh dưỡng Việt Nam, những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức, khó khăn cần giải quyết trong giai đoạn tới. Đó là vấn đề suy dinh dưỡng còn tồn tại dai dẳng, nhất là ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng ở các tất cả các lớp tuổi và cả ở thành thị và nông thôn, kéo theo là sự gia tăng không kiểm soát được của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện các giải pháp cụ thể về chính sách, nguồn lực, chuyên môn kỹ thuật, giải pháp dinh dưỡng chuyên biệt cho người Việt Nam; xây dựng lối sống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực. Đồng thời, xác định rõ, dinh dưỡng không chỉ là vấn đề của riêng ngành y tế mà đòi hỏi sự tham gia đa ngành; cam kết lồng ghép chiến lược dinh dưỡng vào nhiệm vụ của các ngành; phối hợp giải quyết những khó khăn, tồn tại. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để người dân tạo dựng được thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

Minh Nhật