Sông Cầu - điểm nóng ô nhiễm
Trong những năm qua, lưu vực sông Cầu được coi là một trong những điểm nóng về ô nhiêm môi trường. Nguồn nước sông Cầu ở hầu hết các địa phương đều có màu đục, đen và có mùi... vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, nhất là đoạn lưu vực của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. “Thủ phạm” chính làm cho nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm là hoạt động sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở luyện kim, khai thác khoáng sản còn kém; nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc chỉ có hệ thống xử lý lắng cặn sơ bộ rồi thải thẳng ra sông. Số liệu thống kê sơ bộ của ngành chức năng thì có trên 2.000 cơ sở, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, luyện kim và tuyển quặng xả nước thải ra lưu vực sông Cầu. Riêng Khu Gang thép Thái Nguyên mỗi năm có hơn 1,3 triệu m3 nước thải được dẫn đổ ra sông Cầu.
Bên cạnh đó, có khoảng 200 làng nghề nấu rượu, sản xuất đồ gốm, mạ kim loại, sản xuất giấy, tái chế phế thải... thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội xả hàng nghìn khối nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu mỗi ngày. Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất, với hơn 60 làng nghề tập trung chủ yếu ở dọc bờ sông Cầu. Điều đáng nói là, phần lớn hệå thống thiết bị của các làng nghề ởã địa phương này đều cũ kỹ, lạc hậu, quy mô gia đình, nhất là khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải hạn chế... Ngoài ra, việc sử dụng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật vào canh tác nông nghiệp và khai thác cát sỏi thuộc lưu vực sông Cầu cũng làm tăng thêm ô nhiễm, sạt lở và biến đổi dòng chảy của dòng sông này.
|
Cùng hành động để giữ sạch sông Cầu
Tháng 11.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu (gọi tắt là Ủy ban Sông Cầu), với mục tiêu cùng hành động để bảo vệ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững lưu vực sông Cầu. Tại phiên họp thứ 7 Ủy ban Sông Cầu được tổ chức tại thị xã Bắc Kạn cuối tuần qua, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm lưu vực sông Cầu tiếp tục được đưa ra đánh giá và bàn thảo.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch ủy ban Sông Cầu Hoàng Ngọc Đường đánh giá: qua 4 năm, Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình hành động, danh mục các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường sông Cầu; xử lý các nguồn gây ô nhiễm trên toàn bộ lưu vực sông, góp phần giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sông Cầu. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn; sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa rõ nét; nhiều dự án chưa được thực hiện vì thiếu nguồn kinh phí, chưa tìm được các nhà tài trợ để hoạt động bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả.
Đại diện các địa phương đều thông báo về các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm lưu vực sông trên địa bàn. Giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên Dương Văn Khanh cho biết: trong những năm qua, Sở TN-MT Thái Nguyên đã xử lý xong 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiếp tục đưa một số cơ sở mới vào danh sách đen. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị: “Doanh nghiệp, doanh nhân với dòng sông quê hương” nhằm tôn vinh, khen thưởng những đơn vị có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban sông Cầu, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là tập trung vào công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên lưu vực sông. Đặc biệt là tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, để bảo vệ môi trường sông Cầu cần sự nỗ lực từ nhiều phía; các ngành chức năng và các địa phương đã vào cuộc, nhưng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ. “Không chỉ các địa phương mà các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban Sông Cầu cũng cần phải có kế hoạch cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình và cũng phải có báo cáo tại các phiên họp của Ủy ban như các địa phương trên lưu vực” - Phó chủ tịch Nguyễn Trọng Thừa nói.
Những nhiệm vụ cần triển khai
Trước những vấn đề nêu trên, Văn phòng Ủy ban Sông Cầu cho biết, định hướng và nội dung trọng tâm triển khai Đề án tổng thể sông Cầu năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015 sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như sau:
Xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; xây dựng và trình Chính phủ “Nghị định Chính phủ quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên các lưu vực các sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai”.
Đảm bảo xử lý xong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 và các cơ sở gây ô nhiễm mới phát sinh trong giai đoạn 2011 - 2012; điều tra, thống kê giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực; giám sát và xử lý khai thác cát sỏi trên lưu vực sông Cầu, tập trung vào hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang). Theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ TN-MT, các địa phương đảm bảo mục tiêu thanh tra, kiểm tra trên 10% các cơ sở sản xuất dịch vụ có xả thải trực tiếp trên lưu vực sông.
Tiếp tục hoàn thiện, củng cố và tăng cường năng lực cho hệ thống quan trắc môi trường trên lưu vực sông Cầu của Bộ TN - MT và 6 tỉnh; hoàn thiện, thống nhất quan trắc chất lượng nước mặt, tập trung quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Cầu tại các điểm giáp ranh giữa các tỉnh thuộc lưu vực sông. Đồng thời triển khai xây dựng hệ thống thông tin cở sở dữ liệu quản lý các nguồn thải trên lưu vực sông cầu tại các bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN - MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: theo số liệu quan trắc trong quý I /2011, chất lượng nước sông Cầu hiện nay đã tương đối được cải thiện, tuy nhiên nguy cơ gia tăng ô nhiễm vẫn cao. Do vậy, các địa phương nằm trong lưu vực sông cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thức tỉnh người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm, cùng hành động để bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.