Chú trọng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

- Thứ Năm, 06/02/2014, 16:03 - Chia sẻ
Với việc triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Theo báo cáo kết quả công tác năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các cấp, các ngành việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong năm 2013 công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tập trung ưu tiên cho các hoạt động phục vụ tái cơ cấu ngành, các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất; hỗ trợ sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tập trung quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế vùng, miền và mang tính chiến lược... Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, phòng chống dịch bệnh; xây dựng và hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Các chương trình giống cây trồng vật nuôi được triển khai thực hiện tích cực và đạt được nhiều kết quả thiết thực như đã chuyển giao nhanh các giống lúa mới năng suất cao, ngắn ngày vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới được cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa theo hướng năng suất, chất lượng cao, hiệu quả cao. Các cơ sở nghiên cứu khoa học đã nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao trên 6.000 con lợn giống, trên 1.000 dê giống, 20.500 thỏ giống và 350 cừu giống, trên 7 triệu gà giống và gia cầm các loại; sản xuất được vacxin tam liên phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả lợn; triển khai hiệu quả Dự án nhập khẩu và nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Ngoài ra, đã nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ ngăn sông bằng đập trụ đỡ; thiết kế và thi công đập xà lan di động thỏa mãn được các nhiệm vụ của sản xuất nông nghiệp và thủy sản đề ra nhưng giá thành giảm từ 60 - 70% so với công nghệ truyền thống ở trong nước và thế giới…

Có thể nói, việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục như công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất chưa toàn diện, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được đầu tư và thực hiện tốt với số lượng dự án áp dụng vào sản xuất còn quá ít chưa tương xứng với nhu cầu nhiệm vụ mới. Trong khi đó, các dự án, đề tài còn có quy mô nhỏ, ngắn hạn, kinh phí thực hiện ít, việc giải ngân chậm, chính sách đãi ngộ cho người nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các công nghệ vào sản xuất chậm, cùng việc các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chậm nhân ra diện rộng và đưa vào sản xuất đại trà đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hiệu quả các dự án. Chưa kể đến các chính sách khuyến khích cán bộ khoa học kỹ thuật đầu tư nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa thỏa đáng; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc nhgiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế, chưa đáp ứng với tình hình nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp người nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ, mô hình sản xuất hiệu quả vào thực tế. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới là cần sớm tìm ra giải pháp phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu sản xuất hiệu quả và bền vững. Theo đó, thời gian tới ngành khoa và công nghệ cần tiếp tục tích cực triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại nông thôn; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại nông thôn; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật đối với lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, cũng cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho những người sản xuất; củng cố và phát triển mạng lưới khuyến nông, qua đó thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa khoa học với nông dân.

Lê Hoa