Loại tội phạm có độ ẩn cao
Thời gian qua, tình trạng mua bán người diễn biến phức tạp. Tình trạng mua bán nam giới để cưỡng bức lao động, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Theo thống kê, tội phạm mua bán người thường xảy ra tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an, các đối tượng phạm tội trong các vụ án mua bán người chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm khoảng 22%). Đối tượng phạm tội cũng có thể là người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Một số người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội. Điều đáng nói, nhiều vụ án giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ nhất định.
Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân.
Ngoài ra, lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân... để tổ chức xem mặt, chọn vợ, tuyển lựa, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao dưới hình thức du lịch hợp pháp sau đó ở lại làm việc hoặc kết hôn với người dân bản địa hoặc lừa bán. Chính những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã làm công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mua bán người của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương còn xem nhẹ công tác phòng, chống mua bán người. Việc giáo dục đạo đức và chấp hành pháp luật ở phạm vi gia đình và xã hội có mặt còn hạn chế làm cho một bộ phận người dân sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật để phạm tội. Công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát, chưa cụ thể, nên hiệu quả phòng ngừa chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao... Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người của chúng ta thời gian qua.
Trách nhiệm “không của riêng ai”
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật về các quy định liên quan đến mua bán người có vai trò quan trọng. Tuy vậy, công tác tuyên truyền thời gian qua có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã chỉ ra thực trạng, nạn nhân của mua bán người là nam giới chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Trong khi tại các địa phương công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chủ yếu tập trung vào đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái, ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và phù hợp với các đối tượng, tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị các cơ quan có các giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm tuyên truyền hiệu quả, sát đúng đối tượng.
Công tác phòng ngừa từ xa các hoạt động mua bán người có vai trò quan trọng. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong phòng, chống mua bán người, từ đó, cần đổi mới nội dung, đa đạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương đặc biệt là các đối tượng dễ bị lợi dụng, chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có kỹ năng phòng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người hiệu quả, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa nhận thức của người dân còn hạn chế. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trong hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người. Từ đó, hình thành ý thức tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.
Để phòng ngừa tội phạm mua bán người, đòi hỏi trách nhiệm của nhiều chủ thể: mỗi người dân, các cơ quan tổ chức, địa phương. Nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người thông qua giám sát, phản biện xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
Việc sửa đổi, bổ sung mới một số quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò công tác phòng ngừa mua bán người từ cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân tránh bị rơi vào “bẫy” của tội phạm mua bán người, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác này.
Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự quy định: mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác...