Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, nhiều ĐBQH nêu rõ, việc sửa Luật nhằm khắc phục những hạn chế như, chưa phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức. Ngoài ra, còn những vấn đề, như kinh tế nước, tài chính nước, xã hội hóa trong bảo vệ, sử dụng nguồn nước…
Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo nên xem xét giới hạn phạm vi điều chỉnh về “phòng, chống tác hại do nước gây ra” tại Điều 4, dự thảo Luật do đã được quy định chi tiết tại Luật phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020. Nếu nội hàm của cụm từ này là do nhân tai gây ra: xả nước hồ thủy điện gây hại cho hạ lưu, lấy nước mặn nuôi trồng thủy sản..., thì nên đưa vào Điều 10, dự thảo Luật về các hành vi bị cấm để tránh nhầm lẫn, trùng lắp với luật khác.
Quan tâm đến bảo vệ tài nguyên nước, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu vấn đề, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bám sát tinh thần Nghị quyết, Văn kiện của Đảng, nhất là cụ thể hóa Kết luận số 36-KL/TW ngày 23.6.2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với diễn biến tình hình thực tế những năm gần đây. Đó là các vấn đề cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông chính, xâm nhập mặn, các hiện tượng cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện, thủy lợi trên các dòng sông, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu logistics, cảng… ở các cửa sông, cửa biển.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, dự án Luật nên quy định theo hướng Nhà nước có các chương trình xây dựng hồ, đập lớn để dự trữ nước (phối hợp với Luật Thủy lợi) ở các vùng miền phù hợp với tình trạng khan hiếm nguồn nước và đặc điểm địa hình, khí hậu, nhất là ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) lưu ý, liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hiện chúng ta chưa đánh giá cụ thể mức độ ô nhiễm nguồn nước do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc trong nuôi trồng thủy sản… Vẫn còn có tình trạng hộ sản xuất hai khu vực: nơi nuôi trồng để sử dụng thì dùng sinh phẩm hữu cơ, nơi nuôi trồng để bán thì sử dụng chất hóa học.
Bên cạnh đó, nước ta có hai lưu vực sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long - nơi sản xuất nông nghiệp lớn và có trử lượng nước lớn nhất, nếu không có quy định chặt chẽ về lâu dài sẽ ô nhiễm nguồn nước cả bề mặt và nước ngầm. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị, Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước.
Một số đại biểu cũng đề nghị trong dự thảo Luật cần có quy định điều chỉnh đối với nước thải sinh hoạt, nhất là từ các khu đô thị đã làm ô nhiễm nước bề mặt, các dòng sông không còn sử dụng được. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống là chưa đủ, mà phải dựa trên quan điểm, ở đâu có nước sạch, ở đó có sự sống.