Chủ động sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng Covid-19

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:10 - Chia sẻ
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động đối với sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Dự kiến, đầu năm 2022 sẽ chủ động được đối với vaccine.
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để sớm có vaccine sản xuất trong nước
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để sớm có vaccine sản xuất trong nước
Nguồn: ITN

Từ nghiên cứu ban đầu

Bộ Y tế vừa ban hành Văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 được mở rộng cho người từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, trong đó, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi. 

Như vậy, lượng vaccine cần thiết để hoàn thành công tác bao phủ vaccine cũng tăng lên, đòi hỏi sự chuẩn bị bài bản, nhanh chóng tăng cường nguồn cung và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, sớm có vaccine sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam hiện đã cấp phép khẩn cấp cho 8 loại vaccine phòng Covid-19; làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vaccine đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Từ giữa năm 2021, chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Thứ trưởng cũng thông tin, vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine… Đồng thời, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ việc cấp phép cho vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước, có tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới.

Tới chủ động nguồn cung

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian tới, cần tăng cường nghiên cứu vaccine phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trước mắt, Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép, nhằm sớm chủ động được vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan có dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh, nhu cầu các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch... bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vaccine. Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bao gồm kiểm định, phân bổ, tổ chức tiêm… nhằm bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, công khai minh bạch.

Liên quan đến bảo đảm nguồn sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới tiện dụng, hiệu quả hơn trên thế giới; xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị.

Về thuốc điều trị, cùng với quá trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả, Bộ Y tế cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược trong nước làm việc với các đối tác để sớm có bản quyền, nhập khẩu nguyên liệu chuẩn bị sản xuất sau khi các loại thuốc được cấp phép chính thức. Bộ Y tế sẽ cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.

Hoàng Yến