Trong công tác chống buôn lậu, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền các đối tượng thường lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với các cơ quan chức năng vẫn chưa được thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, các lực lượng chức năng tăng cường thu thập, phân tích, xử lý thông tin, nắm chắc các tuyến, địa bàn, đối tượng, hàng hóa, dịch vụ dễ bị lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không; xác định các mặt hàng trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin...
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Ban Chỉ đạo 389 thành phố chú trọng đào tạo, tập huấn cho lực lượng chức năng về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng,
Các lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ việc kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuân thủ đúng pháp luật.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Kế hoạch nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế trên địa bàn thành phố.
Qua đó, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, giá cả, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ, tránh kiểm tra chồng chéo, trùng lặp gây phiền hà cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và cản trở việc lưu thông hàng hóa hợp pháp.
Đồng thời, chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không bao che, tiếp tay, bảo kê cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuân thủ đúng pháp luật.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và phía Nam về Hà Nội; tuyến hàng không (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài); tuyến đường sắt (Lạng Sơn - Hà Nội qua ga Yên Viên, ga Gia Lâm, ga Long Biên, ga Hà Nội; tuyến phía Nam, ga Giáp Bát); tuyến bưu điện (chuyển phát nhanh, DHL...); các kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa lớn, các chợ đầu mối, các trung tâm có lượng hàng hóa lớn, các điểm giao nhận hàng ký gửi chuyển phát nhanh.
Tăng cường kiểm tra hoạt động thương mại điện tử nhằm kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các mạng xã hội, nền tảng trực tuyến (Facebook, Tiktok, Instagram; YouTube...) các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Sendo, Tiki...) để quảng cáo, giới thiệu, chào bán online, livestream các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp; các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường Thương mại Điện tử gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường giám sát các kho hàng, bến bãi, làm tốt công tác ngăn chặn hàng giả trên môi trường trực tuyến, đồng thời cần có quy định định danh để xác định người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với Nhà nước.