Hiện nay, không khó để bắt gặp những hình ảnh của hàng loạt chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động trong các khung giờ ở nhiều nơi thuộc địa bàn TP. Hà Nội.
Điều đáng nói, những chợ này chủ yếu nằm ở những vị trí có lưu lượng lớn phương tiện giao thông qua lại. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, mà còn làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường... Bởi lẽ, vào giờ cao điểm, người mua, kẻ bán dựng xe tràn lan trên lòng, lề đường khiến cho giao thông trở nên lộn xộn.
Bà Thái Thị Hiền (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội cho biết, tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm dọc đường thường kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt. “Tôi thường lựa chọn mua hàng tại các chợ cóc vì ở đó giá cả rẻ hơn siêu thị nên việc mua bán cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhưng ngặt nỗi họ bán dọc đường mà lượng xe đi lại lớn nên tôi cũng rất lo lắng. Mỗi lần mua gì cũng phải nhìn trước, ngó sau xem có xe nào đang đi đến hay không” bà Hiền chia sẻ.
Tương tự, chị Cao Thị Dung Hoài (Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) chia sẻ “bên cạnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm, việc họp chợ hàng ngày gây ách tắc giao thông nhất là buổi sáng hoặc giờ tan tầm cũng cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Đáng nói, nhiều người khi đang di chuyển trên đường bỗng dừng khựng lại vì gặp được món đồ cần mua, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông”.
Toàn thành phố hiện có 453 chợ. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn quận, huyện giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc, hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…
Có thể thấy, thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp để giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần xem xét dành quỹ đất, đầu tư xây mới các chợ tại các khu vực mới phát triển; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các chợ trong khu vực nội thành cũ qua nhiều năm sử dụng đã sập xệ để sau khi giải tỏa các chợ tạm có đủ chỗ bố trí các hộ kinh doanh tiếp tục buôn bán.
Mặt khác, với tâm lý có cung ắt có cầu thì người tiêu dùng Thủ đô cần thay đổi thói quen mua bán, không mua hàng theo kiểu tiện đâu mua đấy, mà nên tìm đến những cơ sở thương mại có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc nạn chợ cóc, chợ tạm, bảo đảm văn minh đô thị cho thành phố.