Ủy ban Tư pháp tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng

- Thứ Hai, 21/08/2023, 16:27 - Chia sẻ

Ngày 21.8, tại TP. Quy Nhơn, Bình Định, Ủy ban Tư pháp tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng" dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Tham dự có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang; các đại biểu đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ...

Ủy ban Tư pháp tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội thảo

Phát biểu tại khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn. Hoạt động giám sát công tác tham nhũng ngày càng được chú trọng, tăng cường.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan khác cũng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó lường hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn những bất cập nhất định, khả năng dự báo chưa cao.

Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Trước thực trạng này, nhiều Nghị quyết của Đảng đã được ban hành để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác này, đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng -1
Đại diện Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Tham luận tại hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Tư pháp cần tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác này. Tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường rà soát các quy định của pháp luật để phòng ngừa tham nhũng; sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 để đánh giá, sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, vướng mắc đã được nhận diện.

Cụ thể, cần nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quy định của Đảng, nhất là Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8.2.2022 của Bộ Chính trị về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; có cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập không kê khai, kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo; động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Có cơ chế để khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; cụ thể hóa chủ trương của Đảng về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, tiêu cực để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ thực tế giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Xuân Hường đề xuất, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, lãnh đạo, người tiến hành tố tụng các cấp cần thực hiện đúng, đầy đủ vai trò, trách nhiệm, từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong điều tra, gắn công tố với điều tra, với các hoạt động cụ thể.

Trong giai đoạn xét xử, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thực sự liêm chính, trong sạch, gương mẫu. Việc xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, nhất là những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là nhiệm vụ có nhiều khó khăn, phức tạp, quá trình giải quyết dễ bị cám dỗ, tác động, chi phối, do vậy cần chú trọng xây dựng, quản lý, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những yếu tố quyết định quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế.

Cùng với đó, cần chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm qua xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế phục vụ việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng, nhất là phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu…, giúp đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ủy ban Tư pháp tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đánh giá cao chủ đề và nội dung thiết thực của hội thảo, góp phần bảo đảm thể chế hóa kịp thời, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác giám sát phòng, chống tham nhũng; đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là dịp để đại biểu các tỉnh, thành phố chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi địa phương, đơn vị.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận và đánh giá cao nội dung các tham luận, ý kiến đóng góp của đại diện một số cơ quan, đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông tin tại Hội thảo là cơ sở để Ủy ban Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

Tin, ảnh: Thảo Ly
#