Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

- Thứ Tư, 01/03/2023, 17:52 - Chia sẻ

Ngày 1.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Hội thảo do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thuỷ chủ trì.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các đại biểu chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có  đại diện một số bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) -3
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh: Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua năm 1998 và sửa đổi lần 1 vào năm 2012. Luật gồm 10 chương, 79 điều. Sau 10 năm triển khai, Luật đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập như: một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các Luật mới ban hành gần đây; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa và cơ chế khuyến khích, cũng như chế tài sử dụng nước tiết kiệm... Do đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hoàn thiện Dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ Sáu tới.  

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội có 10 chương, 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật Tài nguyên nước trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Để hoàn thiện dự luật này, một số đại biểu cho rằng: cần bổ sung cơ quan thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước bao gồm cơ quan được thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước của Bộ Công thương tại khoản 1 Điều 83 dự thảo Luật; bổ sung quy định Nhà nước bố trí kinh phí cho hoạt động “ban hành quy trình vận hành hồ chứa và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa” tại khoản 1 Điều 73 dự thảo Luật.

Tại Điều 47, các ý kiến cho rằng, nội dung Khoản 5 cấp giấy phép tài nguyên nước đối với “tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” đang có sự trùng lặp với quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 44 Luật Thủy lợi. Theo đó, các hoạt động này đã được cấp phép theo quy định tại Điều 16 của Luật Thủy lợi.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) -1
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Tại khoản 10 Điều 63 quy định “Bộ Xây dựng ban hành quy định về thiết kế hạ tầng đô thị, khu đô thị,… trong đó bổ sung quy định về tiêu thoát nước mưa bảo đảm không gây ngập úng nhân tạo”. Các đại biểu đề nghị bỏ quy định này để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vì nội dung này đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về phát triển đô thị, xây dựng. 

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 33 quy định “Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công các công trình,… và bảo vệ môi trường nước dưới đất theo quy định của pháp luật về môi trường”. Một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung liên quan đến “bảo vệ môi trường nước dưới đất theo quy định của pháp luật về môi trường” vì đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) -2
Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Công Hàm phát biểu

Đề cập đến cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, một số ý kiến cho rằng: việc triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ, chương trình thuộc lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước hiện hành còn gặp nhiều khó khăn, do một số nhiệm vụ không có hướng dẫn chi tiết quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, triển khai thực hiện… Vì vậy, các đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung “Có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước”. Nội dung này, theo các đại biểu nên do Nhà nước thực hiện để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung về: trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước; quy hoạch về tài nguyên nước; việc bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt...

Tin và ảnh: TRỌNG HIẾU
#