Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Thứ Bảy, 04/05/2024, 12:41 - Chia sẻ

Kết luận phiên giải trình vừa diễn ra sáng nay (4.5), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng 4.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chưa có quy định rõ ràng về thuốc lá mới

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của WHO (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022), và kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh năm 2023 thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Quang cảnh phiên giải trình. Ảnh: Hồ Long

Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đề xuất các biện pháp để ngăn chặn các sản phẩm nhiều tác hại này đến người dân, đặc biệt là với trẻ em.

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nêu rõ, hiện nay Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Báo cáo Chính phủ về thực trạng sử dụng, tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, do hiện nay chưa có quy định rõ ràng về thuốc lá mới nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Việc xét nghiệm, phát hiện thành phần các chất có trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị hoặc máy móc, thiết bị chưa đủ hiện đại.

Đánh giá, công bố thông tin chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng 

Tại phiên giải trình, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành liên quan được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; đánh giá, làm rõ tình trạng sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng; đồng thời, chỉ ra tác hại của loại thuốc lá này đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên.

Nhiều đại biểu đề nghị, trước mắt cần phải nhận dạng và định danh được hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có phải là thuốc lá hay không cũng như làm rõ được trách nhiệm của các bên để có được kết luận cuối cùng là cấm hay không cấm. Nếu cấm thì dựa vào cơ sở nào và không cấm thì biện pháp quản lý như thế nào cũng cần phải làm rõ.

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước tình trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên, các đại biểu đặt vấn đề, cần phải tập trung tuyên truyền về tác tại của loại hình thuốc lá mới này theo nhiều hình thức hơn nữa như trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tăng độ tiếp cận.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã giải trình cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước, đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành.

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu
Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà phát biểu

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, với tinh thần làm việc dân chủ, khẩn trương, trách nhiệm, Phiên giải trình đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và đạt mục tiêu đề ra. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Xã hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hoạt động giải trình theo quy định mới của Nghị quyết 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và càng có ý nghĩa hơn khi Phiên giải trình được tổ chức vào thời điểm đang hướng tới Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5).

Trong năm 2024, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá -0
Các đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

Minh Trang
#