Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Thứ Sáu, 07/07/2023, 13:05 - Chia sẻ

Sáng 7.7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình thi hành Luật Nhà ở.

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Thủy

Tham dự buổi làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng…

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Năm. Dự luật gồm 13 chương, 196 điều, có sự thay đổi rất cơ bản về nội dung, có nhiều chính sách mới nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển nhà ở, cũng như khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện Luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Thủy

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn của cử tri, của Nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Năm đã có 238 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, đề cập rất toàn diện về các nội dụng của dự án Luật, trong đó có vấn đề về vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung làm rõ thực tiễn thực hiện vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, các thiết chế công đoàn tại địa phương; những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện; giải pháp xử lý các vướng mắc, tạo điều kiện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng những công trình này…

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (Đề án) nhằm giải quyết các khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động tại các khu Công nghiệp, khu chế xuất.

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg, sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg. Trong đó, Tổng Liên đoàn thực hiện việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -0
Đại diện Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt NamẢnh: Phương Thủy

Triển khai thực hiện Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát lập quy hoạch khu thiết chế Công đoàn. Đến nay đã có 36 địa phương có văn bản chính thức gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, chấp thuận địa điểm có diện tích từ 3ha đến 5 ha. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Ban quản lý dự án chuyên ngành) để giao làm chủ đầu tư các dự án thiết chế Công đoàn theo Đề án được duyệt. Ban Quản lý đã tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, các công trình thuộc thẩm quyền.

Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng thí điểm thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, với các hạng mục nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 Block nhà chung cư 5 tầng với 244 căn hộ thuộc giai đoạn 1 của dự án, đã cho công nhân thuê nhà đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Đồng thời, đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và công trình nhà văn hóa, thể thao; hoàn thiện đầu tư xây dựng tại thiết chế công đoàn Tiền Giang; tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các công trình văn hóa, thể thao thuộc khu quy hoạch thiết chế Công đoàn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc.

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -0
Quang cảnh buổi làm việcẢnh: Phương Thủy

Các thành viên Đoàn khảo sát tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, trong đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của chính sách về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn ở các địa phương thì cần làm rõ tính đặc thù của nguồn kinh phí thực hiện; những dự án nhà ở có thể mua, cho thuê mua hay chỉ dành cho thuê; địa bàn thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này; cơ chế quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân…

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình các vấn đề Đoàn công tác quan tâm. Ảnh: Phương Thủy

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phân tích, làm rõ hơn các nội dung Đoàn khảo sát quan tâm. 

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn thiện báo cáo gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở, nhà lưu trú công nhân này sẽ theo pháp luật về đầu tư công hay về đầu tư chung; tính đặc thù của nguồn vốn thực hiện; về bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật...

Lê Bình
#