Thường trực Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

- Thứ Tư, 12/04/2023, 13:33 - Chia sẻ

Sáng 12.4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn chủ trì Tọa đàm. 

Tham dự Tọa đàm có Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Đối ngoại, Pháp luật, Quốc phòng và An ninh; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, các chuyên gia…

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn mong muốn, các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn, có tranh luận, phản biện sâu sắc, đưa ra kiến nghị thiết thực để tạo cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội. 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến về: đăng ký tổ hợp tác; chuyển nhượng phần vốn góp; thành lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần; cho vay nội bộ; kiểm toán hợp tác xã… Các đại biểu thống nhất cho rằng, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) mới nhất đã thể chế hóa nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng về kinh tế tập thể, trong đó có 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; đã có bước tiến lớn so với Luật hiện hành và kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý góp phần khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở nước ta.

Tại dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) mới nhất chỉ cho phép các thành viên chuyển nhượng vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, không chuyển nhượng cho thành viên mới bên ngoài. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là điểm mới, phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý cần quy định chặt chẽ, cả hai bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng bảo đảm tôn chỉ, nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã, cũng như từng loại hợp tác xã.  

Các đại biểu cũng đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy định về chuyển nhượng góp vốn vào hợp tác xã theo hướng quy định đối tượng chuyển nhượng vốn góp chỉ là thành viên chính (có góp vốn) vào hợp tác xã, liên minh hợp tác xã; đối tượng nhận chuyển nhận vốn góp được chuyển nhượng là thành viên chính và thành viên liên kết không góp vốn. Quy định rõ về các vấn đề liên quan tới đối tượng chuyển nhượng gồm: có được chuyển nhượng toàn phần hay chỉ một phần vốn góp của thành viên hợp tác xã; hướng xử lý trường hợp giá trị còn lại của vốn góp cao hơn hoặc thấp hơn vốn góp tối thiểu…

Một số đại biểu đề nghị quy định rõ các vấn đề liên quan tới đối tượng nhận chuyển nhượng, đồng thời bỏ đối tượng nhận chuyển nhượng là hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng, quy định về chuyển nhượng phần vốn góp tại Điều 78, dự thảo Luật là một nội dung rất phức tạp, vì một hợp tác xã thường có nhiều thành viên, nhiều phần vốn góp, với lợi ích, quyền lợi khác nhau của các loại thành viên. Do đó, dự thảo Luật cần quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để thực hiện quy định về nhượng phần vốn góp; quy định trình tự, thủ tục, sau bao nhiêu ngày chào bán phải thực hiện chuyển nhượng vốn…

Thành lập tổ hợp tác cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ có nguy cơ tạo khoảng trống trong quản lý Nhà nước với tổ hợp tác, vì không phải tổ hợp tác nào cũng có nhu cầu đăng ký, chưa kể việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký cũng phải được quy định tại dự thảo Luật. Do đây là chính sách mới nên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải tiến hành đánh giá tác động.

Một số ý kiến cho rằng, quy định đăng ký tại UBND huyện đang là một rào cản với đăng ký thành lập tổ hợp tác, trong khi đó theo các quy định hiện hành, UBND cấp xã có chức năng chứng thực một văn bản. Do đó, cơ quan chức năng nên nghiên cứu quy định UBND cấp xã chứng thực theo đề nghị của tổ hợp tác khi thành lập và xác nhận lại khi có sự thay đổi trong quá trình hoạt động.

Tin và ảnh: Thanh Hải
#