Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV

Thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

- Thứ Năm, 16/06/2022, 10:21 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, sáng nay, 16.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, với 467/480 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Cụ thể, về phạm vi áp dụng thí điểm (khoản 2 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết quy định số trại giam được áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Có ý kiến đề nghị không nên giới hạn số lượng trại giam thí điểm mà trại giam nào đủ điều kiện đều có thể được áp dụng thí điểm.

Thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện của trại giam và khả năng hợp tác với doanh nghiệp, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự cũng như các yếu tố khác có liên quan, nên cần giới hạn số lượng trại giam được thí điểm. Qua cân nhắc, đánh giá nhiều mặt, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã thống nhất tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam của Bộ Công an (18/54 trại giam). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định như tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Chính phủ quyết định. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở các nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện, tiêu chí để trại giam hợp tác với tổ chức trong việc triển khai thí điểm. Tuy nhiên, nếu giao Chính phủ quy định cụ thể danh sách các trại giam được áp dụng thí điểm có thể dẫn tới những khó khăn nhất định và thiếu linh hoạt trong trường hợp cần thay đổi một số trại giam thí điểm không hiệu quả.

Thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam -0
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: Hồ Long

Vì vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: giao Bộ Công an quyết định danh sách các trại giam được áp dụng thí điểm căn cứ vào các nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết).

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm (khoản 3 Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết về trả một phần công lao động thống nhất với quy định của Luật Thi hành án hình sự; có ý kiến đề nghị quy định việc trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm tuân thủ Công ước 29 và Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định hiện hành về việc chi trả cho phạm nhân 12% giá trị lao động.

Thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam -0
Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự thì lao động vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy, các quy định của dự thảo Nghị quyết đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Công ước 29 ILO về lao động cưỡng bức và Công ước 105 ILO về loại bỏ lao động cưỡng bức. Đồng thời, lao động của phạm nhân trong hay ngoài trại giam đều không hội tụ đủ các yếu tố như lao động ngoài xã hội (về tính chất lao động, về giá trị sản phẩm…). Vì vậy, quy định trả công lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo pháp luật lao động là không có cơ sở. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, kết quả lao động của phạm nhân ngoài việc thanh toán một phần công lao động (tỷ lệ 12%) thì toàn bộ phần kết quả lao động còn lại được sử dụng để nâng cao chế độ ăn, lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng và đầu tư trở lại phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Như vậy, thực chất toàn bộ giá trị lao động thu được đều phục vụ cho phạm nhân. 

Từ những vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nguyên tắc trả một phần công lao động tại điểm b, khoản 3 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.

Minh Trang
#