Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết 101/2023/QH15

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

- Thứ Ba, 31/10/2023, 16:26 - Chia sẻ

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát văn bản pháp luật, cần tăng cường quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật hoặc xây dựng quy trình đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các vấn đề sau rà soát văn bản; tăng cường, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật -1
Quang cảnh Phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Đây là đề nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV tại phiên họp chiều nay, 31.10.

Đánh giá thận trọng, kiến nghị thích đáng

Các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ và tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện. Đây là một việc rất lớn, rất khó, có thể coi là một đợt tổng rà soát văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, nhất là những nguyên tắc được đề ra, như việc đánh giá phải thận trọng, kỹ lưỡng; việc rà soát phải bảo đảm khách quan; và kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật. Trên cơ sở theo dõi, giám sát các lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát, bổ sung một số nội dung để Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật -2
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu

Tán thành với một số tồn tại, hạn chế đã được Chính phủ và Ủy ban Pháp luật đánh giá, song ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nêu rõ, để từng bước giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn nữa những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Trong đó, rất cần đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng, cần xác định rõ nguyên nhân của hạn chế còn tồn tại, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về việc công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được các bộ, ngành thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động thực hiện khi có căn cứ rà soát.

Một số dự án luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng khi trình Quốc hội; quá trình đánh giá tác động chính sách trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng đúng mức, nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, cảm tính, thiếu tính khoa học. Hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát văn bản pháp luật, các đại biểu bày tỏ nhất trí với việc Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đề nghị, cần nhấn mạnh vào một số nội dung trọng tâm như: hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có thể sử dụng hiệu quả kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động rà soát thường xuyên.

Cùng với đó, tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị định số 55 năm 2011 về công tác pháp chế, cần có những điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài vào lĩnh vực này, đồng thời có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng lưu ý, cần tăng cường quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật hoặc xây dựng quy trình đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các vấn đề sau rà soát văn bản khi có sự thống nhất của các cơ quan liên quan; bổ sung một số văn bản hiện nay chưa được tổng hợp vào các phụ lục trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Bày tỏ nhất trí đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, phải tăng cường, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật thì công tác tổ chức thi hành pháp luật rất cần phải tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt hơn; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Từ đó, tiếp tục đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Minh Trang
#