Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Pháp luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch

- Thứ Sáu, 03/11/2023, 13:45 - Chia sẻ

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 của Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Pháp luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là những trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục nhiều vấn đề lớn

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dài 413 trang, rất công phu, cầu thị, trách nhiệm, đặc biệt là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương pháp định giá đất, bồi thường tái định cư…

Các ĐBQH cũng ghi nhận, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, đã có sự đối chiếu với các luật, dự thảo luật khác đang trình Quốc hội xem xét như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm tính thống nhất trong nội dung của dự thảo Luật cũng như tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan nhằm hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả. Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng tiếp thu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH, có những nội dung chưa thể tiếp thu được cũng đưa ra giải trình thuyết phục.

Về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại (Điều 128, dự thảo Luật), Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, phương án 1: Giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành, tức là chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở. Phương án 2: Đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất. Chính phủ cũng đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, đây là nội dung rất mới so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm. Nếu theo phương án 2 sẽ thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, hạn chế thủ tục hành chính và nhiều lợi ích khác như thể hiện tại Báo cáo số 598/BC-CP của Chính phủ. Nhưng với năng lực quản lý hiện nay và cộng với đây là một phương án mới chưa được đánh giá tác động đầy đủ, theo đại biểu, việc để cả haiphương án xin ý kiến của Quốc hội là cẩn trọng và cần thiết.

Qua nghiên cứu, đối chiếu, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng bày tỏ tán thành với phương án thứ 2 nhằm giúp tăng tốc độ đô thị hóa, cung cấp nhà ở cho người dân. Đây là điều thực sự cần thiết hiện nay, vì Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư dồn về đô thị, nếu không mở rộng quyền cung nhà ở, thì cung thấp hơn cầu, giá nhà sẽ cao. Thực tế cho thấy, giá nhà ở tại Việt Nam quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội và giá nhà cao buộc họ phải ở trong những căn nhà dưới chuẩn an toàn, cũng không ít trường hợp không chịu được chi phí mua nhà nên chấp nhận xây nhà ở trên đất nông nghiệp.

Làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng

Liên quan đến nội dung về thu hồi đất, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) tán thành với quy định tại khoản 32, Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo quy định này, nếu trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều 79 thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đại biểu cho rằng, quy định như thảo Luật đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định thì báo cáo với Quốc hội.

Cũng tán thành với quy định nêu trên tại dự thảo Luật, song ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, qua rà soát các quy định từ khoản 1 đến 31 của Điều 79 thì thấy trong nhiều khoản cụ thể có quy định về những trường hợp khác. Cụ thể, tại khoản 18, Điều 79 quy định về các trung tâm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác; khoản 20, Điều 79 quy định áp dụng với các công trình sự nghiệp khác… Quy định như vậy sẽ không rõ những trường hợp khác này là trường hợp gì và do cơ quan nào quyết định.

Do vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 của Điều 79 này. Bởi, “pháp luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là những trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu trường hợp chưa làm rõ được ngay trong dự thảo Luật thì sau này có phát sinh những trường hợp khác sẽ phải trình Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa tán thành với quy định tại các Điều 28, Điều 79 và Điều 128 về đất đai với khu vực đầu tư nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì được thu hồi đất hoặc được phép thương lượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án. Đại biểu cho rằng những quy định nêu trên là phù hợp và cần thiết.

Lê Bình
#